Kế hoạch của Dell và cuộc đa dạng hóa chuỗi cung ứng
“Gã khổng lồ” máy tính Dell và các công ty đa quốc gia đang đánh giá mức độ tiếp xúc của họ với sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh những “cơn gió ngược” địa chính trị ngày càng gia tăng.
>>>Thương vụ thế kỷ của Nhà sáng lập hãng máy tính Dell
Dell đang toan tính gì?
Theo báo cáo của tờ Nikkei Asia, Dell đang lên kế hoạch nhằm cắt giảm sự tiếp xúc với Trung Quốc bằng cách loại bỏ dần các chip do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024. Theo đó, Dell đã quyết định ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024 và có thể chuyển khoảng 50% sản lượng ra khỏi nước này vào năm 2025.
Kế hoạch cắt giảm tiếp xúc với Trung Quốc của Dell là trường hợp mới nhất các công ty toàn cầu rút một số hoặc tất cả hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ và sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phong tỏa liên quan đến đại dịch.
Dell đã tăng dần đầu tư vào Trung Quốc kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 1995, với các cơ sở sản xuất ở Hạ Môn, Thành Đô và Côn Sơn, bốn trung tâm nghiên cứu, 12.500 nhân viên và hơn 12.000 cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc.
Nhưng, điều này sẽ bị đảo ngược trong bối cảnh căng thẳng công nghệ gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn, nhân danh an ninh quốc gia.
Dell hiện đang lắp ráp hầu hết các máy tính của mình tại Trung Quốc thông qua các nhà thầu Đài Loan là Compal và Wistron, nhưng cả hai công ty này đã bắt đầu mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tháng 11 năm ngoái, Compal đã đầu tư 60 triệu đô la Mỹ vào một nhà máy ở Việt Nam, trong khi Wistron cũng đang mở rộng các cơ sở sản xuất máy tính xách tay của mình ở cả Đài Loan và Việt Nam.
“Rõ ràng, khi Mỹ tăng cường nỗ lực ngăn chặn chip do Trung Quốc sản xuất, Dell dự kiến sẽ là công ty sớm nhất có thể rời khỏi nước này dựa trên những cân nhắc như tổn thất tiềm năng, doanh thu đáng kể từ mua sắm của chính phủ các nước Bắc Mỹ và Hoa Kỳ”, Eddie Han, nhà phân tích tại Isaiah Research, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Đài Loan, cho biết.
>>>Dell và HP – Sự trở lại của “giá trị cũ”!
>>>Tương lai nào đang chờ đón Dell?
Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty
Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố bởi Container xChange trong tuần này, các công ty đa quốc gia trên khắp thế giới đang coi Việt Nam và Ấn Độ là những địa điểm thay thế hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc trong năm nay.
Container xChange, nền tảng hậu cần container của Đức đã khảo sát hơn 2.600 chuyên gia trong ngành từ hơn 20 quốc gia về xu hướng ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng cho năm 2023, và nhận thấy rằng 67% số người được hỏi tin rằng Ấn Độ và Việt Nam sẽ “nổi lên như những trung tâm vận chuyển container hoạt động” trong năm nay.
Cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hai quốc gia châu Á đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ.
Đơn cử trường hợp của Apple, xuất khẩu iPhone của họ từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái tại Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi so với cả năm tài chính trước đó, trong khi tập đoàn hàng đầu Ấn Độ Tata Group sẵn sàng mua một nhà máy địa phương từ một nhà sản xuất Đài Loan để cung cấp cho quốc gia này nhà máy sản xuất iPhone nội địa đầu tiên, Bloomberg News mới đưa tin gần đây.
Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đang đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhờ xuất khẩu mạnh điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác, theo dữ liệu hải quan do chính phủ Việt Nam công bố.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát của Container xChange cũng cho thấy các doanh nghiệp Mỹ dự kiến sẽ chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nhằm điều chỉnh chuỗi cung ứng, lạm phát và suy thoái kinh tế.
Christian Roeloffs, đồng sáng lập và CEO của Container xChange cho biết: “Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề với lạm phát cao chưa từng có, Trung Quốc phải vật lộn để đối phó với virus và Mỹ tiếp tục chứng kiến những thách thức về giao thông nội địa và tình trạng bất ổn lao động. Hầu hết những thách thức này sẽ ở lại vào năm 2023”.
Chính vì vậy, không lâu sau các động thái từ Dell hay là Apple, các công ty đa quốc gia khác cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ. Các chuyên gia phân tích cho rằng, sẽ cần thời gian để xem liệu việc mở rộng dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc có thể theo kịp nhu cầu hay không, tuy nhiên xu hướng đa dạng hóa dần dần sẽ trở nên mạnh mẽ trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Thương vụ thế kỷ của Nhà sáng lập hãng máy tính Dell
03:00, 31/08/2021
Dell và HP – Sự trở lại của “giá trị cũ”!
05:40, 30/08/2021
Satya Nadella - kiến trúc sư đại tài của đế chế Microsoft
03:00, 06/08/2021
Khởi đầu cuộc "đa dạng hóa" sản xuất của Apple tại Việt Nam
15:20, 04/01/2023
Thêm nhà cung cấp Apple "nhắm" tới Việt Nam
04:30, 29/12/2022
Apple “tái định cư” ở Việt Nam hay Ấn Độ?
04:30, 24/12/2022