Vinasun đã thấy “ánh mặt trời”?
Sau hai năm thua lỗ liên tiếp, Vinasun dường như đã vượt qua khó khăn khi báo cáo lợi nhuận trở lại. Liệu họ có tìm thấy ánh mặt trời sau những ngày tháng u tối?
>>>Vinasun lấy lại “tốc độ”?
Theo đó, hãng taxi hàng đầu Việt Nam Vinasun đã công bố lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng (7,89 triệu USD) vào năm ngoái, cao gấp 6,8 lần so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, hãng taxi này đã ghi nhận lãi trong cả 4 quý của năm 2022, sau khi đã phải nhận lỗ liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19.
Theo Vinasun, với nỗ lực phục hồi thị trường tại các tỉnh thành như TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lân cận, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vận tải, công nghệ và tiêu dùng, công ty đã đạt được những con số khả quan so với mức thua lỗ của năm 2021.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của Vinasun trị giá 1.836 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá trị cổ phiếu Vinasun tăng gần 6,8%, lên 18.150 đồng/cổ phiếu.
Tiếp đà hồi phục hậu COVID-19?
Theo báo cáo của Vinasun, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Vinasun đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 125% so với 2021. Đồng thời công ty ghi nhận lãi sau thuế đạt hơn 185 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 277 tỷ trong năm 2021.
Có thể nói, với những con số nêu trên đã đưa hãng taxi đình đám một thời của Việt Nam dường như đang trở lại trong bối cảnh thị trường phục hồi sau những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và cả những sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng gọi xe công nghệ.
Theo Vinasun, nguyên nhân kết quả kinh doanh khả quan do sự phát huy tác dụng của các chính sách mà công ty đã và đang thực thi trong năm qua. Cụ thể, sau đại dịch, hầu hết lái xe đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe đã được đưa vào hoạt động, không còn xe nằm bãi, đã khiến các chi phí được cắt giảm một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, do đại dịch COVID-19 đã đi qua, các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế Việt Nam phục hồi trở lại, điều này cũng đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty, và kết quả kinh doanh của Vinasun cho thấy họ đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.
>>>Vinasun "lăn bánh" qua vạch kinh doanh lỗ
>>>Vinasun chưa thấy "ánh mặt trời"
Phía trước là mặt trời?
Vinasun được biết đến là một trong hai hãng taxi truyền thống lớn nhất, cùng với Mai Linh, từng là “bá chủ” thị trường taxi truyền thống Việt Nam. Trong khi Mai Linh chủ yếu hoạt động ở phía Bắc thì Vinasun lại chiếm lĩnh thị phần lớn ở phía Nam với doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng từ năm 2008 và đạt đỉnh vào năm 2016.
Nhưng, cùng với sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Be hay là GoJek tại Việt Nam, đã khiến thị phần của Vinasun và Mai Linh dần bị thu hẹp, kéo theo doanh thu và lợi nhuận cũng bị giảm sút một cách đáng kể. Họ bắt đầu kinh doanh bết bát kể từ năm 2017, không lâu sau khi “gã khổng lồ” gọi xe Grab thâm nhập thị trường Việt Nam.
Có thể nói, bằng vào sự tiện lợi và phù hợp cao với nhu cầu sử dụng, các hãng gọi xe công nghệ đã thể hiện ưu thế vượt trội với các hãng taxi truyền thống. Bên cạnh đó, với túi tiền “không đáy” từ các công ty mẹ nước ngoài, các ứng dụng này liên tục có những ưu đãi với người dùng, điều mà các hãng taxi truyền thống, ngay cả các hãng taxi lớn, cũng không làm được.
Tất cả những điều này đã khiến các hãng taxi truyền thống chao đảo, tình hình kinh doanh tụt dốc, nhiều hãng phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí và tái cấu trúc để tồn tại. Thậm chí, chỉ sau 5 năm thâm nhập của những ứng dụng này, đã có tới hơn 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường.
Tuy nhiên, những vụ việc không hay gần đây như hủy chuyến hay là khó gọi xe trong giờ cao điểm, đặc biệt những động thái trong chính sách giá vừa qua, đã khiến người tiêu dùng mất dần thiện cảm với loại hình taxi công nghệ giá rẻ, tiện lợi khác xa với taxi truyền thống mà trước đây họ từng ca ngợi.
Đáng nói, gần đây các hãng gọi xe công nghệ còn thu thêm nhiều loại phụ phí trong một số trường hợp: Phụ phí ban đêm, phụ phí nắng nóng, phụ phí thêm điểm đến, phụ phí thay đổi điểm đến,... Đặc biệt, đơn cử như Grab, hãng taxi công nghệ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam gần đây còn thu thêm cả “phụ phí Tết Nguyên đán”, đã khiến chi phí cho việc gọi taxi công nghệ được đội lên cao hơn so với bình thường.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, các hãng taxi công nghệ đang cố gắng ngăn chặn thua lỗ bằng cách đóng cửa một số đơn vị kinh doanh và giảm chi tiêu cho các ưu đãi. Điều này đã khiến cho họ buộc phải tính đến bài toán lợi nhuận bằng cách cắt giảm hoa hồng của tài xế và giảm các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì vậy, nhiều tài xế đã lựa chọn tắt app và quay về với taxi truyền thống và cũng nhiều khách hàng nghĩ tới taxi truyền thống trước khi tìm tới app đặt xe công nghệ.
Có vẻ như phía trước đang là mặt trời với Vinasun...
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp taxi điện Lilium huy động thành công 119 triệu USD
18:23, 26/12/2022
Vinasun lấy lại “tốc độ”?
00:00, 04/09/2022
Lãnh đạo "gom" cổ phiếu, Vinasun bắt đầu bon bánh?
05:00, 25/06/2022
Vinasun "lăn bánh" qua vạch kinh doanh lỗ
04:50, 25/04/2022
Vinasun chưa thấy "ánh mặt trời"
11:00, 21/07/2021