“Mũi nhọn” của % Arabica
Đắt hơn cả Starbucks là lời bảo đảm cho độ đắt tiền của %Arabica tại Việt Nam. Thương hiệu mới vào này có gì mà tự tin bán đồ uống giá cao như vậy?
>>%Arabica và tham vọng chinh phục “xứ sở cà phê”
Trong thị trường chuỗi cà phê ở Việt Nam, Starbucks có lẽ là thương hiệu thuộc hàng giá cao nhất. Vậy nên thông tin một thương hiệu vừa mới đặt chân vào Việt Nam còn đắt hơn cả Starbucks như %Arabica lập tức nhận được nhiều sự chú ý của giới trẻ và người yêu thích cà phê.
“Tay chơi” mới
Chính thức chào sân Việt Nam vào ngày 12/2, cửa hàng %Arabica tọa lạc tại “chung cư cà phê” 42 Nguyễn Huệ. Đây là thương hiệu khá nổi tại Nhật Bản, vốn có tiếng với hương vị thơm ngon và phong cách kiến trúc tối giản. Họ đã mở được hơn 100 cửa hàng tại 19 quốc gia, không chỉ ở Châu Á mà còn ở Châu Âu và Trung Đông.
Theo nhận xét từ những vị khách đầu tiên, không gian bày trí của cửa hàng ở Việt Nam không hào nhoáng, sang chảnh, cũng không có những ánh đèn đặc trưng thường thấy như các chi nhánh nước ngoài. Tuy nhiên, khu vực pha chế vẫn mang đậm dấu ấn của %Arabica, với sự xuất hiện của chiếc máy pha cà phê Slayer màu trắng kinh điển, cùng những chiếc ly giấy quen thuộc.
Điều nổi bật nhất chính là… giá siêu đắt so với thị trường Việt Nam. Các món trung bình dao động từ 80.000đ đến 120.000đ mỗi ly. Rẻ nhất thì có Espresso 65.000đ/ly nhỏ. Đắt nhất có lẽ là Matcha Soft Cream với giá đến 145.000đ/ly. Thậm chí nước chanh giá 90.000đ - 100.000đ/ly, còn nước lọc tận 70.000đ.
Đây là mức giá đắt hơn cả Starbucks. So sánh một chút thì Espresso của Starbucks bán tầm 40.000đ - 55.000đ. Các món trong thực đơn của Starbucks cũng hiếm khi có các món nước từ 115.000đ trở lên. Vậy nền tảng của hãng cà phê mới toe trên thị trường Việt Nam này có gì mà họ tự tin bán đắt như vậy?
Thương hiệu %Arabica trên thị trường thế giới cũng khá thành công. Theo truyền thông nước ngoài, chìa khóa của hãng này nằm ở 2 từ: Nhất quán và Tập trung.
Mặc dù hoạt động theo hình thức nhượng quyền, nhưng công ty mẹ can thiệp rất sâu vào chuyên môn của từng quán để đảm bảo chất lượng từng ly cà phê ở đây phải tuân theo tiêu chuẩn chặt chẽ.
Công ty mẹ vận hành mô hình nhượng quyền theo chiều dọc tích hợp. Họ sản xuất máy pha cà phê Slayer và mọi cửa hàng %Arabica đều phải sử dụng loại máy này.
Ngoài ra để duy trì tiêu chuẩn chất lượng giống nhau trên nhiều thị trường và nền văn hóa, thì Asiamix cũng chú trọng trong việc lựa chọn đơn vị nhượng quyền. Mỗi khi có cửa hàng mới ra đời, thì nhân viên pha chế chuyên nghiệp từ những chi nhánh chính sẽ bay sang để thực hiện một khóa huấn luyện 2 tuần cho nhân viên mới về tiêu chuẩn %Arabica. Việc này cũng được áp dụng tại cửa hàng Việt Nam, với sự xuất hiện của nhân viên từ chi nhánh Nhật Bản và Hong Kong.
Vẫn còn quá sớm
Trong thời gian tới, %Arabica Việt Nam có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ hai tại Diamond Plaza. Thế nhưng con đường tương lai của họ chắc chắn không dễ dàng.
Không chỉ vì thương hiệu chưa thực sự có tiếng ở Việt Nam, mà giá nước còn khá cao so với thị trường. Theo báo cáo F&B 2022 do iPos công bố, thì 58% thực khách Việt Nam sẵn sàng chi 40.000đ cho một món đồ uống, 44% sẵn sàng chi từ 41.000đ - 70.000đ (giá của Highlands, Phúc Long, The Coffee House, v.v.). Còn từ 70.000đ trở lên thì chỉ có 14%. Đây chính là tầm giá của Starbucks. Và Starbucks thì còn chưa được tính là quá thành công ở Việt Nam, mặc dù thương hiệu có tiếng hơn hẳn %Arabica.
Do đó, để có thể thực hiện tiếp dự án trong tương lai với thị trường Việt Nam, %Arabica phải có những chiêu thức độc đáo. Hãy cùng chờ xem họ có thể làm được gì để chinh phục khách hàng.
Có thể bạn quan tâm