Quảng Ninh: Thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Cộng hoà Séc
Quảng Ninh mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư Cộng hòa Séc tới hợp tác đầu tư tại địa phương, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, thương mại, cảng biển…
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai
>>>Quảng Ninh: Mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư
Đó là chia sẻ của ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khi bàn về định hướng thu hút các doanh nghiệp Cộng hoà Séc đến đầu tư.
Môi trường kinh doanh hấp dẫn
Ông Cao Tường Huy cho biết, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển, là tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn với hạ tầng hoàn thiện, nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm sáng của cả nước khi giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường đề ra; GRDP và thu ngân sách nhà nước nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, địa phương này đã 6 năm liên tiếp giữ vị trí “ngôi vương” trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ninh, tại buổi làm việc mới đây giữa ông Petr Fiala - Thủ tướng Cộng hòa Séc với tỉnh Quảng Ninh, ông Petr Fiala cho biết, tỉnh Quảng Ninh chính là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn nhất tại Việt Nam với hệ thống hạ tầng liên kết vùng, liên vùng và quốc tế ngày càng hoàn thiện, các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, nền hành chính công hiện đại cùng tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực.
Cũng theo ông Petr Fiala, Cộng hòa Séc hết sức quan tâm, tạo điều kiện và sẽ ủng hộ để các bên liên quan kết nối, cùng nhau tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác kinh tế, khai thác tối đa tiềm năng. Trong đó trước mắt sẽ tập trung cho Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Škoda tại KCN Việt Hưng được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, đạt hiệu quả, đưa thương hiệu xe hơi lâu đời của Séc sớm ra mắt tại Việt Nam.
Cam kết đồng hành
Liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh có tổng số gần 87 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4.608 triệu USD. Đặc biệt, số lượng các dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm đa số, với tổng số 62 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 3.391 triệu USD, chiếm 71,26% về số lượng và 73,6% về tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI trong địa bàn các KCN, KKT. Qua đó, làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN, KKT nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
>>>Quảng Ninh: Phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước
Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư để thuyết phục các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Ninh.
Cũng theo ông Kiên, tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ.
Đối với dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Škoda do TC Group làm chủ đầu tư, đây là dự án được xây dựng trên diện tích 36,5 ha, công suất 120.000 xe/năm, nằm trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng có tổng quy mô 400 ha tại KCN Việt Hưng. Toàn bộ dây chuyền sản xuất, lắp ráp áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Škoda Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao. Đây là một trong những dự án trọng điểm của ngành công nghiệp tô tô đang nhận được sự quan tâm của cả Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Theo ông Cao Tường Huy, dự án của TC Group và Škoda Auto hết sức phù hợp, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ hỗ trợ dự án được triển khai thuận lợi nhất, thực sự đưa Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Škoda Auto tại Quảng Ninh trở thành một biểu tượng của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Được biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát các quy hoạch, kế hoạch với tầm nhìn dài hạn; dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kết nối; hình thành các trục phát triển kinh tế trọng điểm, toàn diện và được liên thông bằng hệ thống đường cao tốc, cảng biển chiến lược, thuận lợi cho giao thương trong nước, khu vực và quốc tế. Địa phương này cũng có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Cao Tường Huy cho biết, tỉnh Quảng Ninh mong muốn ngài Thủ tướng Petr Fiala sẽ tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy thêm nhiều tập đoàn, nhà đầu tư Cộng hòa Séc tới hợp tác đầu tư ở Quảng Ninh, nhất là lĩnh vực có nhiều thế mạnh như: Công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, thương mại, cảng biển…
Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm