Quảng Ninh: Mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư

HẢI NGÂN 23/04/2023 02:12

Việc dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 KCN mới và 1.626,31 ha cho 28 CCN sẽ mở ra dư địa lớn để Quảng Ninh thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo.

>>>Quảng Ninh: Phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước

>>>Quảng Ninh gắn chuyển đổi số với với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Quỹ đất rộng mở

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố, Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 KCN mới và 1.626,31 ha cho 28 CCN.

Nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai xây dựng dự án tại KCN Bắc Tiền Phong

Nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai xây dựng dự án tại KCN Bắc Tiền Phong

Cụ thể, theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh đang có 16 KCN bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. 16 KCN này có tổng diện tích 12.886,8ha nằm trong quy hoạch phát triển đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số này, hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận Đăng kí Đầu tư và thành lập. Những KCN này tập trung tại các địa phương như TP Hạ Long, TP Móng Cái, KKT ven biển Quảng Yên.

Đây đều là những địa phương nằm dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch gắn liền với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế như: Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long -  Móng Cái chạy suốt đến cửa khẩu Móng Cái…, tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Hầu hết các KCN sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trao giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp có kinh nghiệm, năng lực vào đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, với lượng hàng hóa sản xuất, xuất nhập khẩu mỗi năm lên đến hàng triệu tấn.

>>>Phát triển của doanh nghiệp là phát triển của Quảng Ninh

Ngoài 16 KCN đã có, theo quy hoạch mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm 8 KCN mới với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03ha. Trong đó, lớn nhất là KCN phía Bắc Đầm Nhà Mạc với diện tích 1.400ha tại thị xã Quảng Yên, KKT ven biển Quảng Yên; nhỏ nhất là KCN Cẩm Phả 2 với diện tích 228ha tại TP Cẩm Phả.

Về CCN trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh hiện có 8 CCN đã thành lập và mở rộng với diện tích 443,97ha. Trong đó, có 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74ha gồm: CCN Kim Sen, thị xã Đông Triều; CCN Hà Khánh, TP Hạ Long; CCN Hoành Bồ, TP Hạ Long; CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả; CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ với diện tích 47,55ha. Các CCN này thu hút được 423 dự án thứ cấp với 5.100 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 65,38%.

Còn 3 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: CCN Phương Nam, TP Uông Bí với diện tích là 62,65ha; CCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên với diện tích là 16ha;  CCN Vân Đồn, huyện Vân Đồn với diện tích 52,58ha.

Phối cảnh KKT ven biển Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT thị xã Quảng Yên)

Phối cảnh KKT ven biển Quảng Yên (Ảnh: Cổng TTĐT thị xã Quảng Yên)

Ngoài 8 CCN này, Quảng Ninh sẽ có thêm 28 CCN mới với tổng diện tích dự kiến 1.626,31ha. Một số CCN quy hoạch mới có diện tích lớn như: CCN Dương Huy; CCN Đạp Thanh; CCN Nam Sơn 2… Những CCN này tập trung tại các xã, phường thuộc TP Uông Bí, TP Hạ Long, TP Móng Cái, huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên, huyện Bình Liêu. Ngành nghề thu hút chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp dệt may, chế biến thực phẩm...

Việc dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 KCN mới và 1.626,31 ha cho 28 CCN, quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư tại Quảng Ninh rất rộng mở và dồi dào. Đặc biệt, đây sẽ mở ra nhiều dư địa để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, thân thiện với môi trường.

Thu hút các dự án chất lượng cao

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan điểm thu hút dự án FDI vào tỉnh Quảng Ninh là lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Cũng theo ông Kiên, năm 2023, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Dự kiến, trong quý II/2023, sẽ có thêm 9 dự án FDI mới trong lĩnh vực này đầu tư vào các KCN, khu kinh tế của Quảng Ninh. Hiện, phía BQL KKT đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hồ sơ đăng ký đầu tư cho các dự án khác đảm bảo đúng quy trình, luật định.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trên địa bàn là 43%. Con số này hiện đang thấp hơn mức bình quân cả nước và hiện tại chưa được quản lý theo thông lệ tốt nhất.

KCN Bắc Tiền Phong hiện đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư

KCN Bắc Tiền Phong hiện đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư

Hiện, Quảng Ninh đang xây dựng kế hoạch về ban hành nghị quyết riêng về phát triển các KKT, KCN, CCN đến năm 2030 tầm nhìn 2040. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 10%/năm, đạt 1,25 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 22.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%. Đồng thời, địa phương này cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững; đi sâu tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”.

3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023. Mới đây nhất, ngày 29/3, có 3 dự án FDI đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng mức vốn hơn 80 triệu USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước

    Quảng Ninh: Phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước

    13:05, 21/04/2023

  • Quảng Ninh gắn chuyển đổi số với với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

    Quảng Ninh gắn chuyển đổi số với với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

    10:13, 18/04/2023

  • Quảng Ninh: Cảnh báo mua bán nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng

    Quảng Ninh: Cảnh báo mua bán nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng

    09:55, 19/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Mở rộng quỹ đất để thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO