Gánh nặng chi phí từ thuế tạo vướng mắc cho doanh nghiệp điện tử
Những thách thức trong phát triển bền vững và một số bất cập trong chính sách thuế khiến doanh nghiệp điện tử trong nước đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
>>>Doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi giá trị
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài với những doanh nghiệp sản xuất điện tử trong nước. Trong đó, chính sách mới nhất doanh nghiệp điện tử phải áp dụng là Quy định trách nhiệm tra soát mới của Đức có hiệu lực từ năm 2023.
Về cơ bản, những quy định này có tính tương đồng với quy định RBH đã được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, có một số quy định chuyển từ tự nguyện thực hiện sang bắt buộc nên tính cụ thể, chặt chẽ và chế tài xử lý cao, đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp nhiều hơn. Trong đó, đáng chú ý là quy định về quản trị, môi trường và nguồn nhân lực rất khắt khe, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt lớn.
“Có không ít doanh nghiệp trong chuỗi còn đang mơ hồ, vi phạm “hồn nhiên” như việc đăng tuyển dụng ưu tiên lao động nam/nữ, ưu tiên độ tuổi, giữ bằng cấp chính của nhân sự… đều là vi phạm và sẽ bị phạt” - bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết thêm.
Khó khăn thứ hai, tại thị trường trong nước, doanh nghiệp điện tử Việt cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI. Bà Đỗ Thị Thuý Hương dẫn một số quy định có thể vô tình mang lại thiệt thòi cho doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng khi vào Việt Nam hầu hết kê khai là doanh nghiệp chế xuất. Điều này đồng nghĩa với việc khi giao dịch hàng hoá, mượn máy móc thiết bị được miễn thuế, miễn khai báo. Trong khi đó, do một số rào cản quy định không thực hiện nên rất ít doanh nghiệp trong nước kê khai và được công nhận là doanh nghiệp chế xuất, dù các doanh nghiệp này là doanh nghiệp lớp 1 chỉ xuất hàng cho các doanh nghiệp FDI đầu chuỗi. Vì vậy, doanh nghiệp nội vẫn phải kê khai hải quan với nhiều thủ tục, quyết toán hải quan rườm rà.
Đặc biệt, từ tháng 10/2022, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương một số quy định thay đổi cũng khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc nhất định. Trước đây doanh nghiệp trong nước mượn thiết bị (chíp gá) của doanh nghiệp đầu chuỗi để gia công được miễn thuế. Nhưng sau khi quy định điều chỉnh, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế cho thiết bị không có giá trị thương mại.
Cũng liên quan đến gánh nặng chi phí từ thuế, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, doanh nghiệp trong nước chịu chi phí đầu tư công nghệ cao lại phải tạm nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT. Doanh nghiệp nhập dây chuyền máy móc thiết bị tạo tài sản cố định và tổ chức sản xuất gia công hàng thiết bị điện tử rất đắt tiền. Theo đó, thuế nhập khẩu, thuế VAT doanh nghiệp tạm nộp lớn, sau đó từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm mới được quyết toán.
Có doanh nghiệp đóng tiền thuế trên đến hàng chục tỷ khiến vốn bị đọng lại lớn, thâm dụng vốn lưu động của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Đã có doanh nghiệp phải dừng sản xuất và phải kiến nghị nhiều bộ ngành mới được hoàn thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam không phải đóng thuế.
Khó khăn thứ ba là những yếu kém nội tại của doanh nghiệp Việt. Trong đó, đa phần là doanh nghiệp SME, lực lượng lao động mỏng, khả năng tiếp cận và phản ứng chậm với quy định pháp luật mới.
Khó khăn thứ tư là quy định pháp lý với hoạt động xuất nhập khẩu chưa ổn định làm mất thời gian, đôi khi là mất cơ hội với doanh nghiệp. Ngoài những chính sách thuế đã đề cập, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, quá trình hậu kiểm, áp mã HS với doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp nhập hàng hàng năm mới hậu kiểm, có nguyên liệu, linh kiện doanh nghiệp nhập khẩu với thuế suất 0%, 5% nhưng bị cơ quan hậu kiểm xem xét áp mã 30 - 35%. Doanh nghiệp phải mất hàng tháng, giấy tờ, thủ tục chứng minh mới được xem xét và công nhận là đúng như doanh nghiệp khai báo…
Từ những khó khăn và thách thức trên, bà Đỗ Thị Thuý Hương kiến nghị: chính sách pháp luật được ban hành cần đảm bảo tính nhất quán, ổn định, có tiên lượng lâu dài, hạn chế tình trạng quy định sau “dẫm chân” lên quy định trước. Có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp nội bên cạnh những chính sách ưu đãi doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, các bộ ngành tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối, tiếp cận doanh nghiệp đầu chuỗi; thu thập và phân tích dữ liệu thống kê bởi hiện nay đang thiếu lát cắt cần thiết để đánh giá vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng, trong hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy nhanh quá trình xúc tiến chuyển giao công nghệ từ các “ông lớn” công nghệ…
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch BCG: Doanh nghiệp điện tử hàng đầu Đài Loan sẽ đầu tư vào khu công nghiệp
13:16, 27/06/2020
Liên minh Doanh nghiệp điện tử đánh giá "sức ép" lên doanh nghiệp từ Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
17:00, 30/09/2019
Doanh nghiệp điện tử cần liên kết và nâng cao năng suất trong chuỗi cung ứng toàn cầu
09:28, 16/03/2018
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện điện tử: Vẫn lo thủ tục phức tạp
03:30, 01/04/2023