Apple và khởi đầu từ cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam
Điều gì có thể xảy ra với thị trường bán lẻ các sản phẩm của hệ sinh thái Apple tại Việt Nam khi gã khổng lồ công nghệ mở cửa hàng trực tuyến tại đây?
Có gì trong cửa hàng trực tuyến của Apple?
Ngày 18 tháng 5 vừa qua, Apple công bố mở rộng Apple Store trực tuyến tại Việt Nam. Giờ đây, khách hàng trên toàn quốc có thể mua sắm trực tiếp với Apple và nhận được dịch vụ đặc biệt, được cung cấp bởi đội ngũ nhân viên của Apple, những người sẵn sàng chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ bằng tiếng Việt.
Theo như giới thiệu từ công ty, thông qua cửa hàng trực tuyến và ứng dụng Apple Store, người dùng Việt Nam có thể khám phá và mua sắm các dòng sản phẩm mới nhất của gã khổng lồ công nghệ này, đồng thời khách hàng cũng có thể kết nối với nhóm chuyên gia của Apple để được trợ giúp tìm thiết bị phù hợp với họ.
Nghĩa là, cửa hàng trực tuyến của Apple cho phép người dùng lựa chọn tất cả sản phẩm trong hệ sinh thái của hãng, từ iPhone, iMac, iPad, MacBook… cho đến những phụ kiện đi kèm.
Đồng thời, người dùng có cơ hội cá nhân hóa thiết bị của mình bằng cách chọn kiểu kết hợp vỏ và dây đeo ưa thích để tạo ra vẻ ngoài độc đáo của riêng mình thông qua Apple Watch Studio, độc quyền trên apple.com/vn.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trực tuyến, người dùng cũng có thể tận dụng nhiều dịch vụ bán lẻ của Apple, bao gồm Apple Trade In, chuyển dữ liệu an toàn và chuyển sang iOS, giúp khách hàng dễ dàng di chuyển dữ liệu của họ từ thiết bị cũ một cách an toàn và bảo mật.
Với chương trình Apple Trade In, khách hàng tại Việt Nam có thể đổi thiết bị cũ lấy tín dụng đổi lấy thiết bị mới. Apple Store trực tuyến cũng cung cấp nhiều tùy chọn hợp túi tiền, bao gồm tài trợ tối đa 24 tháng cho iPhone, Mac, iPad và Apple Watch bằng ví MoMo. Ngoài ra, sinh viên có thể mua máy Mac hoặc iPad với giá đặc biệt và được giảm giá cho các phụ kiện cũng như AppleCare+.
Với AppleCare+, khả dụng trên iPhone, Mac, iPad và Apple Watch, khách hàng sẽ nhận được dịch vụ và hỗ trợ đáng tin cậy từ những người hiểu rõ nhất về các sản phẩm của Apple. AppleCare+ cung cấp cho khách hàng hai năm dịch vụ và hỗ trợ ưu tiên, quyền tiếp cận ưu tiên với các chuyên gia và bảo vệ thiết bị của họ.
Nhìn chung, người dùng Việt Nam sẽ không phải chờ đợi hay phải mua những sản phẩm mới nhất của hãng từ các nước có Apple Store khác như Singapore hay Thái Lan như trước kia, đồng thời cũng sẽ không phải băn khoăn lựa chọn nơi bảo hành, sửa chữa, tân trang thiết bị của mình.
Còn doanh nghiệp bán lẻ sẽ ra sao?
Theo các chuyên gia phân tích và các nhà bán lẻ, sự xuất hiện cửa hàng trực tuyến của Apple có thể sẽ không đem đến những vấn đề tiêu cực cho doanh số bán lẻ của các đại lý ủy quyền hay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
“Lợi thế cạnh tranh vẫn nằm trong tay các cửa hàng ủy quyền của Apple tại Việt Nam, các chuỗi lớn như Minh Tuấn, Di Động Việt, FPT Shop, CellphoneS… không ngại sự xuất hiện này. Bởi vì, Apple cũng không dại gì cạnh tranh với các đại lý ủy quyền, họ chỉ đơn giản là xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường”, ông Lê Trọng Đạt, chuyên gia phân tích thương hiệu tại TP.HCM, nhận định.
Thực tế là giá bán các sản phẩm Apple trên cửa hàng trực tuyến cũng cho thấy có sự cao hơn giá tại các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, chênh lệch từ 2 đến 5 triệu đồng tùy sản phẩm, phụ thuộc vào yếu tố vận chuyển và giá bán lẻ mà hãng đưa ra.
Các nhà bán lẻ và giới chuyên môn cũng cho rằng, với mạng lưới cửa hàng rộng khắp, xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh thành, các đại lý ủy quyền sẽ không bị mất lợi thế cạnh tranh, bởi đặc thù của hàng công nghệ, yêu cầu trải nghiệm thực tế, check hình thức, tránh sai sót, điều mà cửa hàng trực tuyến của Apple không có.
Nhưng, Apple đã nhắm đến Việt Nam?
Tuy nhiên, việc ra mắt cửa hàng trực tuyến được coi là một cam kết lớn hơn của Apple đối với người tiêu dùng Việt Nam. Có thể không bao lâu nữa, một cửa hàng bán lẻ thực địa của Apple sẽ có mặt ở Việt Nam. Năm 2020, công ty đã ra mắt cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Ấn Độ và mới đây họ đã mở các cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại quốc gia này.
Mặc dù là một công ty rất, rất lớn, nhưng Apple cũng không có đủ nguồn lực (bao gồm cả nhân sự) để đặt một cửa hàng Apple ở mọi nơi mà họ có thể muốn. Công ty có những yêu cầu rất cụ thể về bất động sản, lượng người qua lại, quy mô thị trường ước tính… thậm chí cả các yêu cầu pháp lý của địa phương. Việc triển khai các cửa hàng mới đòi hỏi phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đó và chúng được thương lượng theo mức độ ưu tiên và tính nhanh chóng.
Trên thực tế, để mở một cửa hàng Apple đòi hỏi phải xác định các đặc điểm của khu vực lân cận sẽ giúp cửa hàng đó thành công, tìm đúng tòa nhà để ở, đàm phán hợp đồng thuê thuận lợi, thường là trong 10 năm, lập kế hoạch kiến trúc, phê duyệt các kế hoạch đó, tiến hành xây dựng, tuyển dụng và đào tạo nhân viên (một số ở Cupertino), và có thể là hàng trăm chi tiết khác. Apple luôn rất cẩn thận để đảm bảo rằng những việc này không chỉ được thực hiện mà còn được thực hiện đúng cách. Do vậy, trong nhiều năm các cửa hàng Apple hầu hết đều thành công rực rỡ, họ được coi là nhà bán lẻ truyền thống thành công nhất tính trên mỗi mét vuông trên thế giới.
Từ trước đến nay, khi Apple đã nhắm đến việc mở rộng tại quốc gia nào đó, tất cả đều nằm trong sự tính toán của họ. Việc ra mắt cửa hàng trực tuyến và sau đó là các cửa hàng bán lẻ thực địa chắc chắn đã nằm trong sự toan tính của Apple với Việt Nam.
Và một khi họ mở cửa hàng bán lẻ, có thể sẽ đem đến cho các đại lý ủy quyền những thách thức đáng kể về doanh thu.
Có thể bạn quan tâm
Lý do Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam?
03:45, 14/05/2023
Apple bị kiện và vai trò của bí mật thương mại trong kỷ nguyên AI
03:40, 13/05/2023
Những mảng màu sáng tối của Apple
03:40, 07/05/2023
Apple tính mở rộng sản xuất MacBook ở Thái Lan
02:00, 14/04/2023
Apple có thay đổi được cục diện “Mua trước trả sau”?
03:50, 31/03/2023