“Ông lớn” Thái Lan nhắm đến việc mở rộng ở Việt Nam

NGUYỄN CHUẨN 11/06/2023 03:45

Nhà cung cấp các tiện ích lớn nhất Thái Lan, WHA Utilities and Power (WHAUP) đang dự tính mua các tài sản tại Việt Nam, lần này là các cơ sở năng lượng mặt trời và gió.

>>>Tập đoàn Sol Thái Lan chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam

Dấu chân của người Thái

Theo thông tin từ tờ Bangkok Post, WHA Utilities and Power (WHAUP), nhà cung cấp các tiện ích trực thuộc nhà điều hành và phát triển đất công nghiệp lớn nhất Thái Lan, đang có kế hoạch mua các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời và gió mới với công suất 50-100 megawatt, trong một chiến lược mở rộng nhằm hưởng lợi từ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Việt Nam.

WHA Utilities and Power (WHAUP) hiện đang là công ty con của Tập đoàn WHA của Thái Lan

WHA Utilities and Power (WHAUP), công ty con của Tập đoàn WHA của Thái Lan đang tìm cách mở rộng tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành của WHAUP, ông Somkiat Masunthasuwun không nói chi tiết về kế hoạch mua lại tài sản, chỉ nói rằng các thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng các tài sản mới sẽ cho phép WHAUP mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam theo kế hoạch phát triển điện lực quốc gia lần thứ tám, hay còn gọi là PDP 8, mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội phát triển các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tái tạo, với công suất hơn 150 gigawatt mỗi năm.

“Phần lớn công suất mới trong PDP 8 sẽ đến từ năng lượng gió. Chúng tôi sẽ không để mất cơ hội kinh doanh này”, ông Somkiat nói.

Ông cũng cho biết công ty dự kiến tổng doanh thu sẽ tăng 150% lên 7 tỷ baht (203 triệu USD) vào năm 2027, tăng từ mức ước tính 2,8 tỷ baht trong năm nay, nhờ những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp của WHAUP tại Việt Nam và Thái Lan sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng doanh thu. Công ty cũng đang phân bổ 18,5 tỷ baht (534 triệu USD) để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh điện và nước từ năm 2023 đến năm 2027.

Năm ngoái, công suất phát điện của WHAUP từ các nhà máy nhiệt điện khí và than, thủy điện và năng lượng mặt trời áp mái là 699MW. Công ty dự kiến công suất sẽ tăng lên 740MW trong năm nay, nhờ các doanh nghiệp kinh doanh tấm pin mặt trời trên mái nhà và trang trại năng lượng mặt trời. WHAUP đang chuẩn bị phát triển các trang trại năng lượng mặt trời với tổng công suất 125MW theo kế hoạch năng lượng tái tạo 5,2GW do Ủy ban Điều tiết Năng lượng giám sát.

Về hoạt động kinh doanh nước, công ty dự kiến tổng doanh số bán nước sẽ tăng 15% lên 168 triệu mét khối trong năm nay, tăng từ 145 triệu mét khối vào năm 2022. Doanh số bán hàng tại Thái Lan dự kiến sẽ đạt 135 triệu m3, trong khi doanh số bán hàng tại Việt Nam sẽ đạt 33 triệu m3, theo công ty.

Tại Việt Nam, WHAUP đang tập trung các hoạt động trong ngành nước.

Tại Việt Nam, WHAUP đang tập trung các hoạt động trong ngành nước.

Tại Việt Nam, WHAUP đã chi 2,76 tỷ baht (91 triệu USD) để mua 34% cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống vào năm 2019. Ngoài ra, họ còn đầu tư vào Công ty Cổ phần Cấp nước Cửa Lò, một nhà cung cấp nước ở tỉnh Nghệ An trong cùng năm đó.

>>>Bình Dương: Thúc đẩy hợp tác đầu tư với Thái Lan

>>>“Thái Lan hoá” ngành nhựa

“Miếng bánh” năng lượng tái tạo

Trên thực tế, Việt Nam là một trong những thị trường năng lượng hiệu quả nhất ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi các nguồn tài nguyên chi phí thấp như thủy điện và than đá. Đất nước đã đạt được khoảng 99% điện khí hóa với chi phí tương đối thấp so với các nước láng giềng.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang là đích ngắm của WHAUP.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang là đích ngắm của WHAUP.

Tuy nhiên, với nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng 8% mỗi năm cho đến năm 2025, chính phủ Việt Nam đang tiến tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng.

Với tốc độ phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế, nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tăng hơn 8%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Nhu cầu dự kiến sẽ tăng từ 265-278 TWh vào năm 2020 lên 572-632 TWh vào năm 2030. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Việt Nam cần 96.500MW vào năm 2025 và 129.500MW vào năm 2030. Để làm được như vậy, Việt Nam cần tăng công suất lắp đặt thêm 6.000MW – 7.000MW hàng năm với chi tiêu lên tới 148 tỷ USD vào năm 2030. Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh phí cần thiết sẽ vào khoảng 23,7 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.

Hiện tại, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, tiếp theo là gió và sinh khối. Năng lượng mặt trời, khí sinh học và các công nghệ chuyển hóa chất thải thành năng lượng đang phát triển chậm trong khi năng lượng địa nhiệt và năng lượng thủy triều đang ở giai đoạn sơ khai. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn tái tạo từ khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020 lên tới186 tỷ kWh vào năm 2030.

Tại Việt Nam, hiện đang có sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới bao gồm German ASEAN Power, B.Grimm Power Public Co Ltd, Trina Solar, Schletter Group, JA Solar, Sunseap International, Nippon Sheet Glass, Ecoprogetti, Tata Power, Shapoorji Pallonji Infrastructure Capital, Gulf Energy Development, InfraCo Asia Development, và ACWA Power.

Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đang có nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư. Mặc dù các chính sách đã được tự do hóa trong vài năm trở lại đây, nhưng các nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, việc thuế quan thấp cùng với chi phí đầu tư cao vào các công nghệ mới hơn, trong khi thiếu nguồn nhân lực có trình độ và công nghiệp hỗ trợ kém phát triển cũng đang là những khó khăn nhất định với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, công suất lưới điện yếu và sự chậm trễ trong các dự án lớn hơn do khung pháp lý phức tạp cũng đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.

Trong khi đó, WHAUP được coi là một trong những nhà cung cấp các tiện ích trực thuộc tập đoàn điều hành và phát triển đất công nghiệp lớn nhất Thái Lan WHA. Với tiềm lực tài chính hậu thuẫn lớn, vài năm trước WHAUP đã lên kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại thị trường Việt Nam. Giờ đây, có vẻ thời cơ đã chín muồi, rất có thể trong thời gian tới người ta sẽ được chứng kiến các thương vụ mua lại lớn của người Thái.

Có thể bạn quan tâm

  • Tập đoàn Sol Thái Lan chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam

    Tập đoàn Sol Thái Lan chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam

    22:33, 27/05/2023

  • Kết nối thương mại Quảng Ninh – Thái Lan

    Kết nối thương mại Quảng Ninh – Thái Lan

    07:09, 17/03/2023

  • “Ba kết nối” Việt Nam - Thái Lan

    “Ba kết nối” Việt Nam - Thái Lan

    03:00, 19/11/2022

  • VCCI và TCC thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan trong bối cảnh mới

    VCCI và TCC thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan trong bối cảnh mới

    11:36, 18/11/2022

  • Thái Lan

    Thái Lan "thay đổi điều nhạy cảm" để khôi phục kinh tế: Những gợi mở cho Việt Nam

    11:10, 07/11/2022

NGUYỄN CHUẨN