Doanh nghiệp cần tham gia thực chất vào kinh tế tuần hoàn
Thực hiện kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thu được nhiều lợi ích kinh tế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh.
>>>Cơ hội từ kinh tế tuần hoàn
Nội dung này được nhấn mạnh tại lễ ra mắt cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong” và toạ đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Đầu tư cho tương lai
TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài thông tin, so với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên của thế giới tăng 150%. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng 3 lần hiện nay, vượt quá sức chịu đựng của con người. Trong khi đó, kinh tế tuyến tính đã thải ra môi trường 150 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2014 và dự báo đến năm 2050 nhiều hơn tổng số cá của các đại dương.
TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh: thay đổi mô hình tăng trưởng là câu chuyện cấp bách của loài người, của các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, theo khảo sát của VCCI và Quỹ châu Á, biến đổi khí hậu đã khiến 54% doanh nghiệp được khảo sát bị gián đoạn sản xuất kinh doanh do thiên tai; 51% doanh nghiệp giảm năng suất lao động do thời tiết khắc nghiệt, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối… Do đó, phần lớn các nước đang chuyển dịch sang phương thức sản xuất phục hồi và tái tạo, giảm khai thác tài nguyên và hạn chế chất thải ra môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, trong cuốn sách, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát - ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông David Riddle, tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Ở Việt Nam vấn đề này càng nghiêm trọng hơn cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thực tế này đòi hỏi sự khẩn cấp, sự hợp tác chặt chẽ ở quy mô lớn để cùng nhau nỗ lực tiến tới kinh tế tuần hoàn, cùng biến rác thải nhựa thành sản phẩm, tạo ra nền công nghiệp mới - nơi những người tham gia có thể đạt được lợi ích từ những sản phẩm mới này. Đây là hướng đi đúng để thành công trong phát triển bền vững.
Ông David Riddle đã đề cập đến những bài học kinh nghiệm từ những nền kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã chuyển đổi thành công khi áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững. Chẳng hạn, tại đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa được áp dụng bằng cách áp thuế túi nhựa cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa.
>>>Khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
Theo ông David Riddle, hãy nghĩ đến nhựa tái chế như một nguyên liệu thô mới cho ngành công nghiệp rất thành công sắp tới. Điều này sẽ củng cố Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và có thể tạo ra hàng trăm ngàn, nếu không nói là hàng triệu công việc mới.
Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết thêm, trên thế giới đã có khá nhiều công nghệ để tạo ra và sử dụng nhựa tái chế. Tuy nhiên, thách thức ở đây là cần có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện tái chế trên quy mô lớn. Đó là lý do tại sao việc hợp tác trên quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết.
Tạo động lực khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn
Trong 9 năm qua, nhờ ứng dụng kinh tế tuần hoàn với mô hình 3R về giảm thiểu chất thải (reducing waste), tái sử dụng (reusing) và tái chế (recycling), Tân Hiệp Phát đã giảm 78.000 tấn rác thải nhựa. Từ những thành công bước đầu này, ông David Riddle cho rằng, để kinh tế tuần hoàn đi vào đời sống là một quá trình cần nhiều thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Thậm chí, cần có cách tiếp cận mới, động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.
Vì vậy, ông David Riddle cho rằng, cần tiếp tục truyền thông tới cộng đồng và các bên liên quan về lợi ích của tính bền vững và nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất. Ông David Riddle kiến nghị cần có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ.
GS-TSKH Nguyễn Mại cũng đồng quan điểm khi cho rằng, các cấp ban ngành cần tham gia tuyên truyền nâng cao quan điểm, nhận thức cho người dân về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn…
Liên quan đến những kiến nghị chính sách, phát biểu tại sự kiện, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện chưa có đạo luật nào riêng về kinh tế tuần hoàn, các cơ chế chính sách nằm nhiều ở các quy định, chính sách đầu tư khác nhau. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn nên bãi bỏ.
Thứ hai, rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Việc đưa ra tiêu chuẩn sản phẩm quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp kinh tế tuần hoàn. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm, còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia kinh tế tuần hoàn
15:06, 19/09/2023
Thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì?
02:30, 11/09/2023
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KCN: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
15:34, 31/08/2023
Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và kinh doanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn
01:36, 27/07/2023
Đòn bẩy nào giúp doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn?
04:50, 21/07/2023
Kinh tế tuần hoàn không dễ dàng với doanh nghiệp dệt may Việt
10:48, 24/06/2023
Phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết thách thức biến đổi khí hậu
11:30, 28/03/2023