Chuyên gia nhấn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của Quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
>>>Doanh nghiệp chăn nuôi tuần hoàn "đau đầu" vì thức ăn bị coi là chất thải
Theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường, 9 vai trò trọng tâm của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành.
Theo đó, từ năm 2013 – 2023 đã công nhận 529 giống mới góp phần tăng năng suất, chất lượng, các giống cây trồng cho năng suất vượt từ 10 – 15%.
Thực trạng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện cũng đã có 3 mô hình chủ yếu: (1) Mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; (2) Mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hay tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; (3) mô hình tiết chế hoá.
Cụ thể, theo thời gian và sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp, chúng ta đã sử dụng các mô hình: Mô hình vườn ao chuồng (VAC); mô hình luân canh “lúa – tôm”, “lúa – cá”; sản xuất phân hữu cơ từ khí thải nông nghiệp; sản xuất tổng hợp bò – trùn quế - cỏ/ngô – gia súc, gia cầm – cá; chăn nuôi an toàn sinh học 4F; Vòng tuần hoàn xanh trong các trang trại bò sữa; nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Giang Thu nhận định, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đã tuyên truyền các ứng dụng trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình để vừa bảo vệ môi trường, vừa sử dụng hiệu quả các phụ phẩm, phế phẩm sinh hoạt có thể tái sản xuất cho các lĩnh vực khác. Đây sẽ là xu hướng, mô hình được nhân rộng trong tương lai.
Tuy nhiên, đánh giá các tồn tại trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, bà Thu cũng thẳng thắn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Tư duy trước đây vẫn còn coi phụ phẩm đó là rác thải, chưa coi đó là tài nguyên cần phải xử lý để tiếp tục tuần hoàn.
“Những đầu vào này cần được sử dụng để bắt đầu chu kỳ khác, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng. Ngay như rơm rạ, bao nhiêu năm chúng ta vẫn nói những chưa được giải quyết; chặt tỉa cành thanh long, bã quả chanh leo…, tất cả những phụ phẩm đó cần được sử dụng. Năng lực sử dụng, ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta còn hạn chế, mới chỉ ở các Viện, trường; các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, ứng dụng công nghệ chưa rộng rãi và chưa thực sự quan tâm”, bà Thu phát biểu.
Trong thời gian tới, bà Thu cho biết các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần nâng cao nhận thức, vài trò, hiệu quả của các mô hình.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực; phát triển nguồn nhân lực. Phát triển thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, tổ chức triển khai các mô hình…
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của Quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu”, bà Thu dẫn lời của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
>>>Cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Đồng quan điểm, TS. Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Ts Võ Trọng Thành nhấn mạnh: “Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác dộng nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta xử lý vấn đề môi trường”. Bởi trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn lợn đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.
Do đó, một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn bao gồm: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; Phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; Kết nối được các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông sản; Phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp...
Từ thực tế này, TS. Võ Trọng Thành đã chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi.
Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 27/03/2023
04:00, 24/03/2023
04:00, 22/03/2023
00:05, 13/03/2023
04:36, 02/02/2023