Doanh nghiệp vận tải liên vận duyên hải miền Trung gặp nhiều thách thức
Trong bối cảnh phải chịu đủ các loại cước, phí…các doanh nghiệp vận tải liên vận ở các tỉnh duyên hải miền Trung đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức...
Ảm đạm tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
Đối lập với khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp một số cửa khẩu khác dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nay vắng lặng, ảm đạm đến lạ thường…
Theo đó, kể từ khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại tuyến đường trọng điểm phía nước bạn Lào nối sang Quốc lộ 8A hồi tháng 8 vừa qua cùng thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ triền miên, tại nhiều đoạn bên phía nước bạn Lào vẫn chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Điều này đã khiến cho lượng người và phương tiện vận tải liên vận thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tụt giảm đáng kể.
>>Hà Tĩnh phân luồng, giảm quá tải kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo: Tại sao không?
Được biết tuyến đường huyết mạch nối từ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa 2 nước.
Đầu tháng 8 vừa qua, do mưa lớn kéo dài, nhiều điểm trên tuyến đường qua tỉnh Bôlykhămxay và Khăm muộn (Lào) bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Lượng lớn đất, đá từ trên vách núi đổ xuống đã khiến cho một số điểm trên tuyến đường này bị sập, nhiều phương tiện vận tải bị vùi lấp. Từ đó cho đến nay, bên phía nước bạn Lào vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Sơn – Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết: “Hiện nay, các tuyến đường trọng yếu bên phía Lào nối về Quốc lộ 8A ở địa phận Việt Nam bị tắc tại 4 đoạn ở bên phía nước bạn Lào; trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực đèo Đất, cách cửa khẩu khoảng 80 km”.
“Do phía nước bạn Lào vẫn chưa khắc phục xong hậu quả, tuyến Quốc lộ 8A chưa được khơi thông hoàn toàn; xe cộ, hàng hóa không thể lưu thông, người xuất nhập cảnh giảm nên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo gần 2 tháng qua luôn trong không khí ảm đạm”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục thông quan, luồng xuất, luồng nhập... vắng vẻ đến lạ thường. Ở các bãi tập kết hàng hóa, phương tiện chỉ lác lác một vài xe hạng nặng chở khoáng sản cùng một số xe khách, xe tải hạng nhẹ, xe chở hàng nông sản từ các huyện giáp biên tỉnh Bolikhămxay (Lào).
>>Lối đi nào cho cửa khẩu quốc tế Cầu Treo?
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sơn – Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trong những tháng gần đây lượng người, hàng hóa, phương tiện thông quan giảm mạnh như hiện nay là rất đáng lo ngại. Gần 2 tháng nay, lượng phương tiện thông quan chỉ đạt trên dưới khoảng 200 - 300 xe/ngày và lượng người xuất nhập cảnh còn 700 – 800 lượt/ngày (giảm khoảng 50%); các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh qua lại cửa khẩu giảm mạnh so với những tháng trước.
Qua tìm hiểu được biết, đoạn đèo Đất thuộc địa phận tỉnh Bôlykhăm xay (Lào) chưa thông tuyến, do đó tuyến đường phía nước bạn Lào về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn còn bị tê liệt. Nhiều doanh nghiệp, lái xe chuyên tuyến vận tải Việt- Lào chở quặng, nước giải khát, hàng nông sản…phải “nằm chờ” chưa thể hoạt động.
Doanh nghiệp vận tải gặp khó
Trong bối cảnh phải chịu đủ các loại cước, phí…các doanh nghiệp vận tải liên vận ở các tỉnh duyên hải miền Trung đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Suốt một năm qua, phía Lào quy định không cho xe biển kiểm soát Việt Nam thùng rỗng (không chở hàng hoá) khi vào địa phận cũng khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn chồng chất. Nghĩa là, nếu phương tiện đăng ký, đăng kiểm biển kiểm soát Việt Nam khi nhập cảnh qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh)…mà không chở hàng hoá thì không được vào sâu trong địa phận Lào.
>>Hà Tĩnh: Quốc lộ nâng cấp, xe tải ùn ứ đường lên cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Cùng với đó, do các tuyến đường phía Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng; gây ách tắc trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa nên các doanh nghiệp vận tải liên vận khó khăn nay còn khó khăn hơn nữa. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng thông quan qua Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) khiến cho quãng đường di chuyển dài hơn, cước phí đi lại cũng từ đó đội lên gấp nhiều lần.
Một doanh nghiệp vận tải liên vận ở tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi chuyên chở quặng, than, kali tuyến cảng Nghi Thiết – Viêng Chăn, đi qua cửa khẩu Cầu Treo. Cung đường này bên phía bạn có 3 tuyến có thể lưu thông nhưng hiện nay xe của chúng tôi không thể chở hàng về qua cửa khẩu Cầu Treo vì đường 8 đang bị sạt lở nên buộc phải chuyển hướng thông quan qua Cửa khẩu Cha Lo của Quảng Bình”.
“Nếu chúng tôi chuyển tuyến chạy đường Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) hoặc Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An) thì cung đường vận tải sẽ rất xa, phát sinh thêm nhiều chi phí dẫn đến bị lỗ trong kinh doanh”, doanh nghiệp này cho biết thêm.
Địa hình tuyến Quốc lộ 8A đoạn lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo rất nhỏ hẹp, dốc đứng cùng với việc đơn vị thi công đang nâng cấp tuyến đường khiến các phương tiện lưu thông bị ách tắc kéo dài. Đây đang là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải liên vận tuyến Việt Nam – Lào.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay tuyến đường này đang được nâng cấp, sửa chữa khiến các phương tiện vận tải di chuyển rất khó khăn. Đặc biệt, đoạn đường từ Km60 đến Km85 khá hẹp lại dốc đứng, nhiều vực sâu, nhiều đoạn đang thi công dở khiến các phương tiện giao thông, nhất là các xe tải nặng phải nhích từng đoạn.
Theo các doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền Trung cho biết, thời gian cuối năm lượng hàng hóa lưu thông đi về giữa 2 nước Việt Nam – Lào là rất lớn. Tuy nhiên, tình hình sạt lở do mưa lũ triền miên cùng sương mù dày đặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lộ trình và kế hoạch vận tải hàng hóa, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Được biết, Ban Quản lý dự án 4 thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam là đơn vị chủ đầu tư thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km0-Km85+300, tỉnh Hà Tĩnh với giá trị tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền Trung không dám cho phương tiện của mình hoạt động vì càng chạy càng lỗ.
Cụ thể, theo tìm hiểu chúng tôi được biết, đang có một thực trạng đó là đối với dòng xe 2 khúc, hiện tại Việt Nam không cho phép đăng ký, đăng kiểm để lưu hành. Tuy nhiên, các xe vận tải Lào loại này vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam và ngang nhiên di chuyển từ các cửa khẩu về các cảng biển khu vực miền Trung. Theo đó, các phương tiện vận tải theo mô hình xe kéo xe loại 26-28 bánh trục (còn gọi là xe 2 khúc) gắn biển kiểm soát Lào chở 70 tấn hàng vượt tải trên dưới 200 % so với quy định mà pháp luật Việt Nam cho phép nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông?
Điều đáng quan tâm, đối với các khoản thuế phí đường bộ theo quy định doanh nghiệp đăng ký biển kiểm soát trong nước bắt buộc phải đóng, phải nộp thì phương tiện gắn biển kiểm soát Lào lại không phải thực hiện nghĩa vụ này. Đồng nghĩa với việc, xe vận tải mang biển kiểm soát Lào nghiễm nhiên được phép sử dụng miễn phí các khoản thuế, phí đường bộ khi vào Việt Nam cũng đang là áp lực về cạnh tranh đối với các phương tiện vận tải hàng hoá liên vận Việt – Lào đăng ký biển kiểm soát trong nước suốt thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Dư địa nào để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo?
10:29, 26/09/2023
Con đường lắm “tai tiếng” ở Nghệ An: “Ngấm đòn” bởi xe tải trọng lớn?
02:50, 25/09/2023
Nghệ An: Bất chấp biển cấm, xe tải trọng lớn vẫn “cày xới” đường huyện?
00:10, 24/09/2023
Nghị quyết 39-NQ/TW về Nghệ An – Bài cuối: Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
00:26, 22/09/2023
Nghị quyết 39-NQ/TW về Nghệ An – Bài 2: “Phác họa” không gian kinh tế mới
13:59, 20/09/2023