“Mở đường” khơi dòng vốn xanh
Bộ TN&MT đang hoàn thiện dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và phê duyệt danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để trình Chính phủ.
Đây là quyết định quan trọng làm cơ sở để các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
>> Các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh
Khơi thông dòng vốn lớn
Tài chính xanh và tín dụng xanh là xu hướng phổ biến trên thế giới. Hiện có hơn 30 quốc gia đang triển khai tốt tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… đều phát triển các nguồn tín dụng xanh cho các dự án xanh - những dự án đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Vì vậy, tham gia vào thị trường tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn lớn.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 6 năm 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỉ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Dự báo, tín dụng xanh và trái phiếu xanh tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn nữa khi mốc những thời gian quan trọng để tiến tới đạt được mục tiêu Net Zero như cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 đang đến gần.
Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chưa tiếp cận nhiều vốn xanh.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bắc, hiện còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường nên các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng; chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh…
Chia sẻ về việc xây dựng các quy định liên quan đến việc xác định tiêu chí, danh mục dự án xanh, ông Mai Thanh Dung, Viện phó Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT)) cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên pháp lý hoá quy định về trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ TN&MT tiếp tục triển khai những quy định cụ thể về tiêu chí môi trường và xác nhận các dự án được vay tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Trên cơ sở đó, các thể chế tài chính như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính có những quy định tiếp theo hướng dẫn thực hiện phát hành trái phiếu xanh và cho vay tín dụng xanh. Do vậy, dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và phê duyệt danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là văn bản quan trọng để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trong bối cảnh kênh tài chính xanh trong nước và quốc tế hiện rất lớn.
>> Tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai ra sao?
Giảm rủi ro cho ngân hàng
Thế nhưng, ông Mai Thanh Dung cũng thừa nhận, cơ quan soạn thảo cũng gặp khó trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí khi vừa phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện trong nước và những tiêu chí quốc tế đang được các nước phát triển đang áp dụng, vừa giảm thiểu rủi ro cho các định chế tài chính và đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp. Đưa ra bộ tiêu chí hài hoà các nội dung trên sẽ thực hiện mục tiêu kép: tiếp cận được những nguồn vốn lớn trên toàn cầu và đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường.
Đề cập cụ thể hơn, Viện phó Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rất rõ các yêu cầu về môi trường mà doanh nghiệp phải đáp ứng, song những dự án xanh phải có tiêu chuẩn tốt hơn so với trần quy định trong Luật. Đó có thể là các dự án đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ít có nguy cơ tác động hoặc ít phát thải đến môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ tuần hoàn… Hoặc trong cùng một lĩnh vực, những dự án nào có lợi thế hơn có thể được xem xét là dự án chuyển đổi xanh…
"Hiện chúng tôi đang dự thảo theo hướng đưa ra danh mục chưa quá cầu toàn, lựa chọn những đối tượng, dự án rất xanh, ít rủi ro cho môi trường khi triển khai thực hiện để giảm rủi ro cho ngân hàng khi cho vay. Đặc biệt, dự thảo quy định phân loại dự án xanh phải phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ là không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính” - ông Mai Thanh Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, hiện nay các văn bản pháp luật liên quan không quy định cơ quan, tổ chức thực hiện xác nhận dự án xanh nên nội dung này có thể thực hiện theo hình thức cho xã hội hoá, có thể giao cho các tổ chức bên ngoài thực hiện, song vẫn phải đảm bảo Nhà nước có thể kiểm soát. “Dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và phê duyệt danh mục phân loại dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đang được hoàn thiện trên tinh thần theo hướng mở cho doanh nghiệp để tiếp cận nguồn vốn và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức tư vấn để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới” ông Dung nói.
Có thể bạn quan tâm