Từ chỗ chỉ chiếm khoảng 3% tổng dư nợ của nền kinh tế vào 2018, đến nay, tín dụng xanh đã có bước tăng trưởng tích cực hơn.
>> Quản lý rủi ro môi trường trong tín dụng: Thúc đẩy tài chính bền vững
Theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng cho biết cơ quan này luôn định hướng xanh hóa bảng cân đối của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, luôn nỗ lực đưa ra giải pháp tập trung vào việc nâng cao nhận thức và hành động của cơ quan quản lý thông qua các hỗ trợ tư vấn chính sách về nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý của NHNN trong lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Tăng trưởng của tín dụng xanh có thể nói là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực tập hợp các ngân hàng phát triển xanh, một trong những yếu tố quan trọng để kinh tế Việt Nam vận hành theo hướng chuyển đổi xanh và tiến đến thực hiện các mục tiêu cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, tổng dư nợ nguồn vốn xanh trong nền kinh tế như nêu trên, thẳng thắn mà nói vẫn “chưa thấm vào đâu”, đặc biệt khi Việt Nam là nước có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, đang từng bước chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy ứng công nghệ vào nông nghiệp, công nghệ cao và phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, tín dụng xanh lại cũng mới chỉ là “một vế” của tài chính xanh, tài chính khí hậu (climate finance). Khi Chính phủ đang dồn lực quyết tâm chống biến đổi, nhưng tài chính khí hậu lại chưa thực sự là chính sách tài chính tương lai của quốc gia, và chúng ta vẫn đang phải trông vào công cụ đa dạng hóa tài chính xanh từ bên ngoài?
Theo các chuyên gia, hiện các giải pháp cần kíp để thúc đẩy tín dụng xanh, là Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Cùng với đó, nhanh chóng xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững
11:13, 17/12/2021
Xu hướng tín dụng xanh trong hoạt động tài chính tại Việt Nam
13:30, 11/11/2021
Ưu tiên hoạt động tín dụng xanh, OCB nhận giải Best Green Deal từ ADB
10:59, 01/10/2021
AFD cấp hạn mức tín dụng xanh 100 triệu USD cho BIDV
15:40, 28/05/2021