Nhà nước cần phải có Quỹ tín dụng xanh buộc các ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định cho sản xuất xanh. Nếu cho vay sản xuất xanh mà như cho vay thông thường thì không bật lên được.
Hiện nay, Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn có hơn 1.200 thành viên, chủ yếu trong khối doanh nghiệp tư nhân. Câu lạc bộ cũng đang hỗ trợ cho khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch xanh B2B - EcoHub. Quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các doanh nhân đã nhận thức đầy đủ xu thế này, dù mức độ nhận thức tầm quan trọng có khác nhau nhưng việc thực hiện cũng gặp một số khó khăn.
Việc đầu tư sản xuất xanh có thể là một gánh nặng thêm với doanh nghiệp bởi phải gánh thêm các chi phí. Có thể tăng giá sản phẩm nhưng chỉ là trên lý thuyết, đây cũng là bài toán khó khi mà tăng giá làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, cho nên nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian trước mặt.
Bên cạnh đó, nhân lực vận hành sản xuất xanh cũng còn thiếu và khó. Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài thì không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước ngoài, do tiêu chuẩn Việt Nam chưa đồng bộ với tiêu chuẩn thế giới. Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh là áp lực trong chuỗi cung ứng, các nhà cung ứng cũng phải “xanh”, tức là bị cạnh tranh đầu vào.
Từ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, tôi đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, Nhà nước cần phải có Quỹ tín dụng xanh, với nguồn vốn lớn liên kết với phía ngân hàng, buộc các ngân hàng dành một tỷ lệ nhất định cho sản xuất xanh. Nếu cho vay sản xuất xanh mà như cho vay thông thường thì không bật lên được.
Thứ hai, đề xuất khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xanh phải được ưu đãi về thuế. Doanh nghiệp làm gì cũng phải đảm bảo lợi nhuận để tồn tại. Trong đầu tư công, Nhà nước nên quan tâm ưu tiên mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất xanh. Bởi chỉ kêu gọi mà không dùng sản phẩm thì người dân sẽ không tin.
Thứ ba, phải có chương trình đào tạo liên tục cho chủ doanh nghiệp để hiểu và ứng dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử... Các chủ doanh nghiệp thế hệ 7x trở về trước có thể tiếp cận không kịp xu thế thời đại, cần được hỗ trợ cập nhật.
Thứ tư, về xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cần tăng cường để doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh có sản riêng, hoạt động mạnh. Trong nước, trước đây kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nay có thể kêu gọi ưu tiên dùng hàng Việt Nam sản xuất xanh.
Thứ năm, về kênh phân phối, sàn EcoHub cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, các đơn vị bán lẻ. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cần được hỗ trợ về công nghệ sản xuất xanh, với các giải pháp phù hợp túi tiền và tình hình sản xuất của doanh nghiệp.