“Rộng cửa” cho tín dụng xanh

Diendandoanhnghiep.vn Tăng trưởng xanh - phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu và cấp bách của các quốc gia, “tín dụng xanh” được xem là công cụ chính sách tiền tệ và là kênh dẫn vốn hữu hiệu.

>> Tài chính xanh và công nghệ blockchain đưa phát thải ròng về 0

LTS: Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh.

Đó là nhận định của bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp lớn Khu vực phía Nam và Bất Động Sản, HSBC Việt Nam khi trao đổi với DĐDN.

- Phát triển tín dụng xanh hiện đang còn tồn tại, hạn chế ở đâu, thưa bà?

Để phát triển tín dụng xanh, cần có sự kết hợp giữa nhận thức của Chính phủ, doanh nghiệp, thị trường và các chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Chúng tôi nhận thấy quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh hiện nay chưa đồng đều giữa các ngành kinh tế. Cụ thể, trong những năm vừa qua, ngành năng lượng đã có một số bước tiến đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thị trường hiện đang mong Quy hoạch điện 8 được hoàn thiện sớm để định hướng phát triển sắp tới cho lĩnh vực này. Trong khi đó, các ngành khác chưa có chính sách giảm phát thải với mục tiêu cụ thể. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành chưa đưa được vào chiến lược phát triển của mình.

Hiện tại, một số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh của HSBC chủ yếu xuất phát từ tầm nhìn của người quản lý, hoặc do áp lực trong chuỗi giá trị khiến họ thấy cần thiết phải đi theo hướng phát triển bền vững, hoặc để tiếp cận nguồn vốn quốc tế dễ dàng hơn, chứ chưa phải do sức ép của chính sách pháp luật như ở một số quốc gia phát triển.

>> 8 khuyến nghị phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

- Vậy Chính phủ cần có biện pháp thúc đẩy tín dụng xanh như thế nào để khơi thông dòng chảy vốn mạnh mẽ hơn, thưa bà?

Chính phủ và các Bộ ngành cần sớm ban hành lộ trình giảm phát thải với mục tiêu cụ thể cho các ngành phát thải cao, cũng như các quy định hỗ trợ phát triển bền vững trong các ngành này. Khi các khung pháp lý hỗ trợ phát triển bền vững trở nên rõ ràng hơn, doanh nghiệp sẽ đi trước đón đầu để được hưởng những lợi ích từ các cơ chế pháp lý này.

Hiện Chính phủ đang soạn Dự thảo quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh. Đây là một bước tiến đúng hướng tạo minh bạch cho thị trường, hỗ trợ các tổ chức tín dụng rút ngắn khoảng cách kỹ thuật trong tài trợ xanh đối với các dự án phát triển bền vững.

 Cơ cấu tín dụng xanh theo lĩnh vực tại Việt Nam tính đễn 30/6/2022. Nguồn: NHNN

Cơ cấu tín dụng xanh theo lĩnh vực tại Việt Nam tính đến 30/6/2022. Nguồn: NHNN

Chúng tôi rất mong đợi quy định này sớm được ban hành, cùng với việc chỉ định các tổ chức uy tín cung cấp các chứng chỉ xanh dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với các mục tiêu giảm phát thải.

Ngoài ra, việc cân nhắc thuế carbon cho các ngành phát thải cao và sự ra đời thị trường tín chỉ carbon tự nguyện là cần thiết. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thấy những rủi ro và cơ hội trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải các bon thấp.

- Về phía các doanh nghiệp, theo bà cần có sự chuẩn bị ra sao để đón được nguồn vốn từ tín dụng xanh hiệu quả?

Doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị nghiêm túc cho chiến lược phát triển xanh chứ không chỉ để tiếp cận nguồn vốn xanh. Nguồn vốn xanh chỉ là một phương tiện để doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của mình.

Ví dụ, về nguồn lực, phát triển xanh cần sự tư duy và chia sẻ trách nhiệm từ cấp quản lý tới vận hành, xuyên suốt các khâu từ chiến lược, thu mua nguyên liệu, sản xuất, phân phối,... chứ không chỉ là việc của phòng tài chính kế toán.

Mặc dù, các quy định hiện hành chưa tạo sức ép cho doanh nghiệp phải chuyển dịch xanh, nhưng các doanh nghiệp nên chuẩn bị tâm lý. Một khi những thay đổi pháp lý đó xảy ra, có thể với tốc độ rất nhanh và quy mô lớn. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu các xu hướng giảm phát thải trong ngành để tìm những hướng đi tiên phong mới, thay vì bị động trước các thay đổi pháp lý.

Dưới góc nhìn của HSBC, các khách hàng của chúng tôi khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã thấy rõ những sức ép, đồng thời cũng là cơ hội. Trong tương lai gần, tôi nghĩ chiến lược phát triển xanh sẽ là chiến lược khác biệt hóa hiệu quả. Và cũng chỉ trong một tương lai không xa nữa, phát triển xanh sẽ là chiến lược cơ bản bao trùm thị trường. Khi đó, những doanh nghiệp lựa chọn mô hình kinh tế đi ngược lại sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị đào thải.

Khi doanh nghiệp đã hướng tới phát triển xanh và có mục tiêu cụ thể, việc đo lường và chứng nhận kết quả một cách minh bạch sẽ rất có ích để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, đặc biệt là nguồn vốn quốc tế.

Trong quy trình thẩm định tín dụng, HSBC đã và đang đưa vào phân tích những yếu tố về rủi ro chuyển dịch sang nền kinh tế xanh như nhận thức của doanh nghiệp, các bước chuẩn bị để ứng phó trong tình hình mới,... Chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe những chia sẻ về định hướng phát triển xanh của doanh nghiệp để có thể đưa ra những tư vấn phù hợp liên quan tới phạm trù tài chính và tăng cường minh bạch hóa việc thực hiện chiến lược này.

- Xin cảm ơn bà!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Rộng cửa” cho tín dụng xanh tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714123982 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714123982 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10