Lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR: Những giải pháp thực thi

LÊ MỸ 26/10/2023 15:31

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ Môi trường.

>>>Đầu tư ESG và những vấn đề của doanh nghiệp

Quy định EPR (Luật Bảo vệ Môi trường) sẽ chính thức có hiệu lực đối với một số nhóm ngành bao bì từ ngày 01/01/2024 . Tuy nhiên, tìm kiếm tiếng nói từ thực tiễn cho “sự hoàn thiện về cách thức phát triển hiệu quả hệ thống thu gom, tái chế rác thải bao bì tại Việt Nam, cùng những giải pháp thực thi trong lộ trình chuẩn bị và triển khai EPR”, vẫn cần những được tất cả các bên liên quan cùng trao đổi, lắng nghe và đóng góp, để việc thực thi EPR tại Việt Nam sẽ được triển khai thuận lợi và hiệu quả.

Ô

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đây là một trong những quan điểm được ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organization Vietnam - PRO Việt Nam), chia sẻ tại hội thảo Hướng đến việc Triển khai thành công quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR – Extended Producer Responsibility) tại Việt Nam do PRO Việt Nam tổ chức ngày 26/10/2023 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch PRO Việt Nam, việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ Môi trường, là một bước tiến mang tính đột phá, tích cực và là một nỗ lực đáng kể của Quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau.

"Những người tiên phong luôn là những người làm công việc khó khăn nhất. Hành trình thực hiện EPR tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực và đồng lòng của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, cũng như người dân và những tổ chức tình nguyện hoạt động phi lợi nhuận như PRO Việt Nam, chúng tôi tin  rằng từng bước một, việc triển khai EPR tại Việt Nam sẽ thật hiệu quả và bền vững”.

>>>Doanh nghiệp cần tham gia thực chất vào kinh tế tuần hoàn

“Việc triển khai EPR hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được các kỳ vọng về môi trường tốt đẹp hơn, đồng thời  thúc đẩy mô hình  kinh tế tuyến tính thiếu hiệu quả và ít bền vững  chuyển dần sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Bên cạnh những cơ hội về lâu dài trên, trước mắt, chúng  ta sẽ đối mặt không ít  các thách thức về tài chính trong đầu tư và chi phí (tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp); các thách thức về chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, công nghệ… để phù hợp với xu thế hội nhập và tiêu dùng ngày càng theo hướng phát triển xanh và bền vững; các thách thức  về chính sách chưa đồng bộ, phù hợp và kịp thời… Chúng tôi cũng đặc biệt  cho rằng  vai trò của truyền thông là  vô cùng quan trọng trong việc tạo nhận thức để thay đổi hành vi tiêu dùng, ý thức phân loại rác tại nguồn… đồng thời tạo ra sự cộng hưởng của toàn xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả trong vấn đề  thu gom và tái chế”, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết.

Khái niệm EPR (Extended Producer Responsibility- trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trong việc quản lý chất thải, là một công cụ quản lý bằng pháp luật được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; ở đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn sau sử dụng nhằm thu gom được ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm để có thể phân loại trước khi xử lý mà chủ yếu là tái chế.

Trong mô hình này, trách nhiệm thu gom, tái chế là cốt lõi của hệ thống, tuy nhiên để việc thu gom, tái chế được thực hiện hiệu quả thì còn có rất nhiều các công cụ hỗ trợ cần được thực hiện một cách đồng bộ. Đối với việc thu gom, tái chế, nhà sản xuất có thể tự mình thực hiện việc thu gom, tái chế hoặc thuê tổ chức thu gom tái chế, hoặc liên kết với nhau để tổ chức việc thu gom, tái chế hoặc nhà nước lập ra tổ chức để giúp các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm mở rộng của mình.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tiến - Chủ tịch Cty Môi trường URENCO cho biết, "Rác chỉ thành tài nguyên khi được phân loại, rác không phân loại thì rất tốn tiền". Làm gì với rác để biến thành tài nguyên, ông cho rằng có thể học hỏi những quốc gia đi trước, chẳng hạn như mô hình kinh tế tuần hoàn ở Đài Loan với 66% rác thải được tái chế đã chứng minh thành công. Trong mô hình của Đài Loan, 4 trụ cột chính là: Quỹ tái chế, các cộng động dân cư, nhà tái chế và chính quyền. Tuy nhiên ở Việt Nam, theo ông cần phát triển theo mô hình "bàn tay" - 5 trụ cột, với Chính quyền, cư dân, thu gom chính thức, trạm thu hồi vật liệu (MRF), đơn vị tái chế đủ điều kiện và cùng với đó là Truyền thông để cùng phối hợp, thúc đẩy lẫn nhau, thay đổi tư duy, nhận thức đến hành vi của người dân.

Một yếu tố mà ông Tiến chia sẻ rất đáng được lưu tâm, là ở Việt Nam do các mốc ban hành của các Luật liên quan quy định khác nhau, ảnh hưởng việc triển khai chưa được đồng bộ. Chẳng hạn như Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực 01/01/2022, quy định triển khai EPR có hiệu lực từ1/1/ 2024, quy định về phân loại rác có hiệu lực từ 1/1/2025. "3 mốc khác nhau tạo độ vênh đến áp dụng, ảnh hưởng nghiên cứu đầu tư phân loại tái chế". 

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ

Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ

Do đó, ông đề xuất một số giải pháp: Chẳng hạn ở góc độ PRO Việt Nam đã hỗ trợ Hiệp hội MTĐT&KCN truyền thông tại các tỉnh,
thành phố: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM hay Nestle đã tài trợ hoạt động thu gom chất thải tái chế giá trị thấp tại các làng nghề và chuyển các nhà máy xi măng để xử lý từ 2021 đến nay; thì cần tiếp tục hoạt động truyền thông; Hỗ trợ thu gom vận chuyển chất thải tái chế (giá, VAT,...); Chuẩn hóa hoạt động phi chính thức; Hỗ trợ làng nghề chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn; Thúc đẩy, hỗ trợ đầu tư các nhà máy tái chế đối với các nhóm chất thải... 

Đối với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Quỹ EPR, đề xuất: Ban hành kế hoạch phân loại 2024; Chỉ đạo thực hiện và có chế tài xử phạt; Thúc đẩy đầu tư tái chế...; Chính quyền ban hành các quy định trả phí theo khối lượng thu gom chất lượng, quy định về bao bì đựng rác thải phân loại, tổ chức lại hoạt động phi chính thức hay từng bước chuyển đổi làng nghề gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn...

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quế Lâm - Cty TNHNN MTV Môi trường Đô thị TP HCM - cho rằng, để thực hiện tái chế rác, tuân thủ EPR, mấu chốt trước hết phải là thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu hồi tốt nhất về chất lượng, số lượng. Chủ động thực hiện thành chương trình lớn hơn. Cùng với đó, thực tiễn doanh nghiệp hiện đã thí điểm trạm thu mua chất thải tái chế; Xây dựng thu mua và thí điểm thu gom tái chế trường học trên địa bàn quận Tân Phú, hay xây dựng mạng lưới thu mua chất thải rắn tái chế.

"EPR đang đặt chúng ta vào những thách thức nhưng đó cũng là trách nhiệm người tiêu dùng, đặt chúng ta vào yêu cầu phải hài hòa tiêu dùng - sản xuất trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn", bà Lâm khẳng định...

Với các kiến nghị, giải pháp từ nhiều góc độ khác của các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, PRO Việt Nam sẽ xây dựng bản đề xuất gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan trong tháng 11/2023, hy vọng góp phần thúc đẩy việc hỗ trợ triển khai EPR khả thi và thành công tại Việt Nam khi có hiệu lực  từ tháng 1/2024.

Trong khuôn khổ hội thảo, PRO Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản Ghi nhớ với Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh (Green Media Hub) - thuộc Hội Nhà Báo Việt Nam, với điều khoản: “cam kết cùng nhau phát triển các chiến lược truyền thông hiệu quả trong dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thực thi EPR hiệu quả”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG

    Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG

    13:04, 28/09/2023

  • Chú trọng yếu tố ESG khi định giá doanh nghiệp

    Chú trọng yếu tố ESG khi định giá doanh nghiệp

    16:30, 30/09/2023

  • TGĐ VinaCapital: Doanh nghiệp cần tuân thủ ESG để dễ tiếp cận vốn

    TGĐ VinaCapital: Doanh nghiệp cần tuân thủ ESG để dễ tiếp cận vốn

    13:13, 23/09/2023

  • PwC: Chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết thiết lập kế hoạch ESG

    PwC: Chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết thiết lập kế hoạch ESG

    17:06, 30/08/2023

LÊ MỸ