Khảo sát của PwC chỉ ra, so với các công ty niêm yết, doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt hơn trong cơ cấu hoạt động, giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định và tiến độ tích hợp các nguyên tắc ESG.
>>>ESG: Quyền năng và trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo PwC Việt Nam, trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có những động thái tích cực đón nhận các mục tiêu liên quan đến ESG. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nhìn nhận đúng đắn về ESG cũng như chủ động hơn trên hành trình này.
Tuy nhiên, Báo cáo sẵn sàng thực hành ESG của PwC trong doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho thấy 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu kiến thức về ESG, đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với một khoảng cách đáng kể về quản trị và báo cáo ESG trong tương quan với tình hình chung ở Việt Nam. Cụ thể, 60% tiết lộ doanh nghiệp có cơ cấu không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị về các vấn đề ESG, và chỉ 29% thiết lập rõ ràng các mục tiêu và thước đo ESG, trong khi đó số liệu trung bình của tất cả các loại hình doanh nghiệp lần lượt là 51% và 47%.
Tại hội thảo do PwC phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA) và Phuc Khang Corporation tổ chức với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam và cuộc cách mạng ESG", các chuyên gia từ PwC Việt Nam đã chia sẻ một số dữ liệu từ báo cáo của PwC. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân với: Trong số những doanh nghiệp được khảo sát, 34% tiết lộ rằng Hội đồng quản trị của họ hiện không tham gia vào các vấn đề ESG và 48% đề cập đến việc tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG. Những con số này vượt qua mức trung bình của Việt Nam lần lượt là 32% và 38%. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực từ thị trường đó là Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) của PwC đã cho thấy sự chuyển dịch tiềm năng theo hướng tập trung hơn vào ESG trong tương lai khi thế hệ kế nghiệp đảm nhận vai trò lãnh đạo. 68% NextGen Việt Nam tham gia khảo sát tin rằng họ có trách nhiệm chống lại biến đổi khí hậu và 45% nhìn thấy cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong các hoạt động bền vững. Ngoài ra, 77% mong muốn tham gia vào việc tăng cường tập trung đầu tư bền vững trong tương lai của doanh nghiệp, điều này phản ánh tham vọng ESG mạnh mẽ.
>>>Đầu tư ESG và những vấn đề của doanh nghiệp
“Thế hệ kế nghiệp được coi là một trong những nhân tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, và họ thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng câu chuyện ESG. Với tinh thần đổi mới và nhiệt huyết đối với phát triển bền vững, những nhà lãnh đạo tương lai nên được khuyến khích thực hiện một bước nhảy vọt và tạo dựng con đường riêng của mình thông qua việc nâng cao kỹ năng và thúc đẩy các sáng kiến ESG. Bên cạnh đó, so với các công ty niêm yết, doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt hơn trong cơ cấu hoạt động, điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ra quyết định và tiến độ tích hợp các nguyên tắc ESG", ông Johnathan Ooi - Lãnh đạo dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình, PwC Việt Nam - cho biết.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Tổng Giám đốc Lãnh đạo ESG Dịch vụ Kiểm toán A PwC Việt Nam - cho biết, thực hành ESG đã trở thành trọng tâm trong kỳ vọng của các bên hữu quan (stakeholders) đối với doanh nghiệp. Theo đó, các bên hữu quan thể hiện rõ các quan điểm về thực hành ESG, đặt ra kỳ vọng ngày càng cao dành cho doanh nghiệp trong việc triển khai kinh doanh bền vững và công bố các thông tin phi tài chính một cách minh bạch.
Phó Tổng Giám đốc PwC cũng cho biết các yếu tố ESG ngày càng được chú trọng khi định giá doanh nghiệp. Dữ liệu thống kê từ các nguồn cho thấy nếu như ở giai đoạn năm 1975, trong các thành phần định giá giá trị thị trường của các công ty S&P 500, tài sản hữu chiếm 83% và tài sản vô hình chiếm 17%; thì đến 2020, tỷ lệ của tài sản hữu hình chỉ còn 10% trong khi tài sản vô hình chiếm đến 90%.
Tài sản hữu hình ví dụ gồm: vốn tài chính, tài sản vật chất...; Tài sản vô hình, ví dụ: Giá trị thương hiệu, Danh tiếng, Hoạt động R&D, Sự hài lòng của khách hàng, An toàn sức khỏe, Quản lý tác động tới môi trường, Các giấy phép phục vụ hoạt động công ty, Quản trị, Quan hệ với người lao động... Như vậy có thể thấy yếu tố ESG với môi trường - xã hội - quản trị đang "trùm phủ" ngày càng cao trong các thành phần tạo nên giá trị vô hình và chiếm tỷ lệ lớn trong định giá doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả mà các doanh nghiệp niêm yết lẫn tư nhân đều sẽ phải rất quan tâm khi muốn nâng cao giá trị doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư...
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết việc chuyển đổi năng lượng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện ESG và cũng được coi là góp phần lớn nhất vào việc giảm phát thải hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050. Trong số các rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đầu tư vào chuyển đổi năng lượng, chi phí ban đầu là đáng kể cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng có thể được coi là lợi thế cạnh tranh trên thị trường và sẽ góp phần kiến tạo giá trị lâu dài, bao gồm hình ảnh thương hiệu bền vững giúp thu hút các nhà đầu tư - nhờ vào mối quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với các dự án phát triển bền vững. Việc áp dụng năng lượng xanh cũng sẽ đảm bảo tuân thủ các chính sách và quy định liên quan trên quốc tế và khu vực, giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí liên quan đến phát thải carbon trong thời gian tới.
Chia sẻ về định hướng chiến lược ESG của doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation, cho biết: "Định hướng chiến lược thực hiện ESG thành công sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển bền vững, mang lại nhiều giá trị lớn hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nền kinh tế mà còn cho cộng đồng và các bên liên quan. Trong quá trình xây dựng khung chiến lược của tập đoàn, Phuc Khang Corporation chúng tôi luôn theo sát và cam kết hành động dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Với nền tảng các chiến lược CSR vì cộng đồng sôi nổi thời gian qua, Phuc Khang Corporation tiếp tục nâng tầm chiến lược ESG trên các mặt trận Môi Trường, Xã Hội, Quản Trị, xác định rõ mục tiêu: Kiến tạo công trình xanh, cộng đồng xanh và tương lai xanh.”
Lộ trình chuyển đổi từng bước cũng được các chuyên gia đề xuất để doanh nghiệp tư nhân cân nhắc. Việc đánh giá bao gồm các phương án quản lý carbon và yếu tố hỗ trợ để giảm phát thải dọc theo chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG
13:04, 28/09/2023
TGĐ VinaCapital: Doanh nghiệp cần tuân thủ ESG để dễ tiếp cận vốn
13:13, 23/09/2023
Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 nhận các hỗ trợ lên tới 2 tỷ đồng
13:01, 08/09/2023
PwC: Chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết thiết lập kế hoạch ESG
17:06, 30/08/2023