Tài chính doanh nghiệp

Đón vốn xanh quốc tế: Những "bệ phóng" cho vốn ESG

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu Kinh tế và tin học ứng dụng (IIB) 20/07/2025 16:00

Để tận dụng tối đa cơ hội đón vốn ESG, vẫn cần nhiều hành động thay đổi từ chiến lược đến khung pháp lý, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện ESG trong cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam đang nỗ lực thu hút vốn xanh quốc tế để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc thiếu khung pháp lý, các sản phẩm tài chính xanh đặc thù, khó khăn trong việc thẩm định và quản lý rủi ro dự án... và sự thiếu hụt các định chế tài chính trung gian mạnh mẽ.

anh-2-21.jpg
Một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ nguồn vốn đầu tư của Agribank. Ảnh: Agribank

Sau thuận lợi về chủ trương bao trùm của Nghị quyết 68 trong đó có chỉ đạo đa dạng nguồn vốn cho tư nhân - gồm vốn xanh, theo quyết định của Chính phủ vào tháng 6/2025, một cột mốc quan trọng trong hành trình nhằm hướng tới mục tiêu Net-Zero năm 2050, Việt Nam đã chính thức triển khai giai đoạn thí điểm của hệ thống giao dịch phát thải (ETS), tập trung vào ba ngành công nghiệp chủ chốt có phát thải: thép, xi măng và nhiệt điện. Giai đoạn thử nghiệm này sẽ kéo dài đến năm 2029, và dự kiến bao phủ khoảng 50% tổng lượng CO2 phát thải trên toàn quốc.

Một quyết định mới nhất và có thể còn gây quan điểm khác nhau, là kế hoạch thử nghiệm hạn chế xe xăng theo từng khu vực và có lộ trình tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.

Quan trọng và ở tầm tác động trực tiếp vào chuyển đổi xanh với khu vực phát thải cao nhất - năng lượng, là phê duyệt Quyết định điều chỉnh quy hoạch Điện VIII, thay cho tác động cắt giảm hay khó khăn trong phát triển các dự án năng lượng trước, Quyết định mới tăng niềm tin của nhà đầu tư từ nền tảng an ninh năng lượng, đi cùng là cơ hội thu hút tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi xanh.

Những chính sách quan trọng chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon phù hợp định hướng phát triển quốc gia, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với kế hoạch vận hành sàn thí điểm trong năm nay, gắn với phát triển Trung tâm tài chính quốc tế... cũng đưa nền kinh tế từng bước hướng về xóa mờ dần những dấu chân carbon in lên hiện tại và tương lai.

Những bước tiến quan trọng nói trên về mặt chủ trương có song hành cùng việc thu hút và triển khai vốn đầu tư xanh và ESG (Môi trường- Xã hội và Quản trị), phụ thuộc vào việc khắc phục, thay đổi thực chất.

Thứ nhất, chúng ta vẫn thiếu khung pháp lý thống nhất: Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn ESG quốc gia, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc xác định và thực hiện các tiêu chuẩn ESG. Lưu ý Danh mục Phân loại xanh không phải là Bộ Tiêu chuẩn ESG quốc gia.

Thứ hai, hạn chế trong báo cáo phát triển bền vững. Chỉ rất ít trong số hàng trăm công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán công bố báo cáo phát triển bền vững riêng biệt, và tỷ lệ này còn thấp hơn đối với các báo cáo được kiểm toán.

Thứ ba, thiếu chuyên gia và dữ liệu. Việc thiếu chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và công nghệ, cùng với dữ liệu ESG không đầy đủ, cản trở việc đánh giá và thực hiện các chiến lược ESG hiệu quả.

Vì vậy, rất cần: Một chiến lược đồng bộ, tổng thể để khắc phục và xây dữ liệu, san bằng các yếu điểm từ góc độ chiến lược ESG quốc gia; Cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn ESG theo yêu cầu quốc tế vì ngoài việc đánh giá theo tiêu chuẩn quốc gia còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới có yêu cầu khắt khe về báo cáo ESG như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...; Cần có chính sách đào tạo từ các chuyên gia nước ngoài tại các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng tiêu chí đánh giá và thực hành ESG đúng với yêu cầu quốc tế.

Với các doanh nghiệp, việc tận dụng sự hướng dẫn của các tổ chức như IFC và ADB đang tích cực hỗ trợ các công ty tại Việt Nam ưu tiên các vấn đề ESG, thông qua tài trợ và tư vấn kỹ thuật, đi cùng cân nhắc đầu tư chi phí để “làm” ESG chuẩn, sẽ tăng cao hiệu quả đón nguồn vốn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đón vốn xanh quốc tế: Những "bệ phóng" cho vốn ESG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO