Dệt may Việt và cuộc "rượt đuổi" vào thị trường Hàn Quốc
Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng dệt may lớn thứ 2 tại thị trường Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2018.
7 tháng và 1,5 tỷ USD
Theo Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt trên 10,2 tỷ USD, tăng 32,13% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính sản phẩm điện tử là ba nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.
Đặc biệt, mặt hàng dệt may đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại thị trường Hàn Quốc trong những tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 24,88% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tính riêng trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 270,7 triệu USD, tăng 24,18% so với tháng 6/2018 và tăng 24,06% so với tháng 7/2017.
Hiện Trung Quốc và Việt Nam là hai nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với thị phần chiếm lần lượt là 34,46% và 32,67%.
Nếu so sánh với thời điểm 3 năm trước, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này đã có sự bứt tốc rất nhanh, với khoảng cách thị phần giữa Trung Quốc và Việt Nam từ mức 40,18% và 29,52% về mức gần như ngang bằng ở thời điểm hiện tại.
Mặt khác, cũng theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới gần 2,7 tỷ USD trong năm 2017.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành dệt may Việt Nam, bởi Hàn Quốc là trung tâm thời trang lớn, đồng thời cũng là nơi trung chuyển hàng thời trang sang tiêu thụ tại các quốc gia khác. Mặt khác, hàng dệt may của Việt Nam mới chiếm khoảng 30% thị phần tại Hàn Quốc, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa cho dệt may Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này.
Cần tận dụng cơ hội
Thực tế là từ năm 2015 tới nay, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất nhanh. Lý giải việc này, Bộ Công Thương cho rằng, chủ yếu do sức cạnh tranh cao của hàng may mặc Việt Nam và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Hàn Quốc tăng. Bên cạnh đó, những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, với 24 dòng sản phẩm trong nhóm mặt hàng này được hưởng ưu đãi về thuế thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng giúp Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường này.
Có thể bạn quan tâm
Dệt may Việt và cuộc "rượt đuổi" vào thị trường Hàn Quốc
11:00, 28/08/2018
“Vá” lỗ hổng trong chuỗi cung ứng dệt may
15:30, 16/08/2018
Dệt may cần “tăng tốc” để cán đích 35 tỷ USD
04:40, 29/07/2018
Dệt may và bài toán mở rộng thị trường
03:08, 23/07/2018
CPTPP và EVFTA: Doanh nghiệp dệt may chủ động đón cơ hội
15:30, 21/07/2018
Dự báo từ nay cho đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2017, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, mặc dù còn nhiều tiềm năng song yêu cầu chất lượng của thị trường này là khá nghiêm ngặt. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu dệt may vào thị trường Hàn Quốc cần chú ý thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết như được kiểm tra, giám định đối với từng mô hình sản phẩm bởi cơ quan kiểm nghiệm và thanh tra được chỉ định. Sau khi có chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí an toàn, nhà nhập khẩu phải thông báo kết quả cho cơ quan chứng nhận an toàn.
Đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam nhấn mạnh, bất kỳ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất nào muốn được chứng nhận an toàn cần nộp đơn cho từng sản phẩm lên cơ quan chứng nhận. Đơn xin chứng nhận cần được gửi kèm các tài liệu: photo giấy đăng ký kinh doanh, bản miêu tả sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn được cấp bởi cơ quan kiểm tra giám định sản phẩm.
Cùng với việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc, các cơ quan quản lý cũng cho biết đây là cơ hội để gia tăng dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào lĩnh vực dệt may. Ông Lê An Hải - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công thương thông tin, để đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thời gian qua các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc cho thấy, xu hướng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong 2-3 năm tới. Không những vậy, 62% doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Việt Nam đang có mong muốn mở rộng quy mô từ sản xuất hàng may mặc cho đến nguyên phụ liệu như sợi, vải…
Ông Lê An Hải cũng khuyến nghị, doanh nghiệp Hàn Quốc nên ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất. Từ đó, sẽ giúp dệt may Việt Nam chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, sử dụng nguyên liệu trong nước để tăng giá trị xuất khẩu, giảm dần nhập siêu từ Hàn Quốc.