CPTPP và EVFTA: Doanh nghiệp dệt may chủ động đón cơ hội

Thu Hoài 21/07/2018 15:30

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cơ hội mở rộng thị trường nhưng nếu doanh nghiệp không tích cực thay đổi sản xuất, tiếp cận thị trường thì sẽ không thể tận dụng được cơ hội này.

Đó là ý kiến của ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Hội thảo “CPTPP và EVFTA những tác động đối với ngành Dệt may Việt Nam” mới đây.  

Doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị kỹ càng để đón nhận tốt nhất cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị kỹ càng để đón nhận tốt nhất cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Thặng dư thương mại tăng cao

6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã đạt 16,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) đạt 10,78 tỷ USD,  giá trị thặng dư thương mại đạt 7,6 tỷ USD và tăng 13,87% so cùng kỳ. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, những năm gần đây giá trị thặng dư của ngành dệt may tăng theo hàng năm, năm 2018 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp dệt may Việt Nam không nhập siêu.

Về thị trường, những thị trường XK trọng điểm của ngành như: Mỹ, các nước thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng XK có kim ngạch bứt phá là vải, áo thun, áo jacket, váy...

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng xuất khẩu đạt 35 tỷ USD có

    Kỳ vọng xuất khẩu đạt 35 tỷ USD có "vừa sức" với dệt may?

    05:12, 05/07/2018

  • Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc

    Ngành Dệt may đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc

    11:00, 06/07/2018

  • Dệt may nhiều dư địa mở rộng thị trường

    Dệt may nhiều dư địa mở rộng thị trường

    03:30, 11/07/2018

Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp cũng rất khả quan. Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP cho hay, thông thường, Công ty chỉ nhận được đơn hàng trước 3 tháng nhưng ngay từ đầu năm 2018, các nhà NK lớn của Mỹ, EU, Nhật Bản đã đặt hàng đến hết tháng 8. “Điều này cho thấy, thị trường có tín hiệu tốt, thêm nhiều sự lựa chọn cho doanh nghiệp sản xuất” - lãnh đạo May 10 chia sẻ.

Tương tự, doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn tăng tới 20% so với cùng kỳ, lịch sản xuất cũng đã kín đến hết năm. Tổng Công ty CP Phong Phú cũng đã xuất khẩu hơn 28 triệu USD sản phẩm vải denim, khăn bông.

Thực tế, thuận lợi trong XK của ngành dệt may đã được Hiệp hội dệt may Việt Nam sớm dự báo khi ngay từ cuối quý I, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí là hết năm.

Doanh nghiệp chủ động

Trao đổi về tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với ngành dệt may, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong tổng số hơn 10 FTA Việt Nam đã đàm phán, CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất. Trong đó, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi và EVFTA yêu cầu xuất xứ từ vải. Với tình trạng phát triển lệch của dệt may Việt Nam hiện nay, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ 2 FTA này là khó nhưng đây lại là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp trong ngành có thể hưởng lợi.

Theo ông Vương Đức Anh- Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu -  Cục Xuất Nhập khẩu, quy tắc xuất xứ của CPTPP, EVFTA tuy có chặt chẽ nhưng vẫn có những điều khoản linh hoạt giúp các doanh nghiệp dệt may trong nước dần thích ứng. Ví dụ, quy định về nguồn cung thiếu hụt trong CPTPP sẽ có 187 loại mặt hàng có thể nhập khẩu từ ngoài khối nhưng vẫn được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó có 179 mặt hàng được áp dụng vĩnh viễn, các mặt hàng còn lại chỉ được “nới quy tắc” trong vòng 5 năm sau khi hiệp định có hiệu lực…

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Chính phủ đã nỗ lực đàm phán các FTA mang lại cơ hội mở rộng thị trường nhưng nếu doanh nghiệp không tích cực thay đổi sản xuất, tiếp cận thị trường thì sẽ không thể tận dụng được cơ hội này.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi biến động thị trường, nhất là xu hướng bảo hộ trên thế giới để tránh vướng vào các vụ kiện thương mại. Bộ Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp, trong đó nỗ lực khơi thông những hàng rào phi thuế quan, đàm phán hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia NK. “Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã làm việc Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC), yêu cầu sớm dỡ bỏ quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với hai mặt hàng dệt may của Việt Nam và EEC cần minh bạch các tiêu chí xem xét áp dụng biện pháp này”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ thêm.

Với vai trò đại diện cho công đồng doanh nghiệp dệt may trong nước, trong thời gian tới Vitas cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giúp doanh nghiệp hiểu cặn kẽ hơn nữa về CPTPP, EVFTA. Cụ thể, Vitas sẽ mở lớp tận huấn về tự chứng nhận xuất xứ, tổ chức hội thảo về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành, tổ chức đoàn xúc tiến thương mại sang các thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CPTPP và EVFTA: Doanh nghiệp dệt may chủ động đón cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO