Xuất khẩu cá tra lạc quan với mục tiêu 2 tỷ USD?

Tiến Minh 03/09/2018 11:02

Trong 3 sản phẩm xuất khẩu chính, gồm tôm, cá tra và cá ngừ thì mặt hàng cá tra có nhiều triển vọng lần đầu tiên đột phá để đạt mức trên 2 tỷ USD.

Giá cá tra tạm dừng chuỗi giảm

Ông Trương Đình Hòe Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá tra đạt trung bình 200 triệu USD/tháng, so với mọi năm tăng khoảng 50 triệu USD/tháng, được vậy là nhờ giá xuất khẩu tăng lên và từ nhu cầu của thị trường.

7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được 1,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ. Trung Quốc mở rộng, Hoa Kỳ và EU là 3 thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 57% kim ngạch xuất khẩu. Thứ tự này có sự thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc mở rộng và EU. Tuy nhiên, riêng trong tháng 6 và 7/2018, Mỹ trở lại là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Trung Quốc mở rộng với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 và tháng 7 lần lượt 50,6 triệu USD và 58,5 triệu USD; tương ứng cho Trung Quốc mở rộng là 48,4 triệu USD và 38,4 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng sang Trung Quốc mở rộng đạt gần 290 triệu USD, tăng trưởng 40,6%, chiếm tỷ trọng 24,2%; Hoa Kỳ đạt 255,3 triệu USD, tăng 15,6%, chiếm tỷ trọng 21,3%; EU đạt 139 triệu USD, tăng 16,5%, chiếm tỷ trọng 11,6%.

Ngoài 3 thị trường lớn nói trên, 2 thị trường quan trọng khác là ASEAN và Nhật Bản cũng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang ASEAN 7 tháng đầu năm đạt 110,6 triệu USD, tăng 38,5%; sang Nhật Bản đạt 18,3 triệu USD, tăng gần 50%.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ giá trị xuất khẩu từ 15,6% - 50% ở các thị trường chính Trung Quốc mở rộng, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật, Việt Nam có thể kỳ vọng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2018 vượt mức 2 tỷ USD, tăng trưởng trên 12% so với năm 2017.

Thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng qua khá ổn định, tạm dừng chuỗi giảm giá liên liên tiếp kể từ cuối tháng 5.

Mức giá cao nhất hiện trong khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Tại Cần Thơ, cá tra giống cỡ 30 con/kg hiện ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.

Đối với ngành cá tra, Bộ NN&PTNT dự báo từ nay đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao đặc biệt là thị trường Trung Quốc do nguồn cung vào dịp cuối năm của nước này cao.

Cần nâng "chất" cho cá tra

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, 2018 là năm đầu tiên xuất khẩu cá tra đột phá và có thể mang về hơn 2 tỷ USD. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long đang có 8 tỉnh nuôi cá tra với gần 5.000 ha mặt nước. Qua 20 năm hình thành và phát triển, con cá tra của khu vực này đã trở thành ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, trong thời gian tới cần phát huy mạnh tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, để đưa ngành cá tra phát triển bền vững.

Muốn vậy, các địa phương trong vùng phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ. Đa dạng hóa sản phẩm, các mặt hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu để nâng cao tính cạnh tranh và nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán thị trường của cá tra Việt

    Giải bài toán thị trường của cá tra Việt

    05:09, 29/08/2018

  • Xuất khẩu cá tra mất “độc quyền”: Áp lực hay động lực

    Xuất khẩu cá tra mất “độc quyền”: Áp lực hay động lực

    14:00, 30/08/2018

  • Cá tra Việt bước vào

    Cá tra Việt bước vào "cuộc chiến" mới

    04:30, 22/08/2018

  • Cá tra Việt lại bị

    Cá tra Việt lại bị "bôi xấu" ở nước ngoài

    16:13, 16/08/2018

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngành cá tra cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt. "Điều chính yếu là làm sao sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng tốt nhất”, ông nhấn mạnh và cho rằng nếu nhìn vấn đề ở một khía cạnh nào đó, ngành cá tra có những cơ hội tốt để tiếp tục củng cố và phát triển chất lượng.

Còn theo Tiến sỹ Paul S. Valle, chuyên gia ngành thủy sản tại Na Uy, dòng chảy cá tra đang có sự “đổi hướng” sang các nước châu Á, khu vực Nam Mỹ và châu Phi. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên chủ động tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, khu vực Nam Mỹ được cho là có mức tăng trưởng nhanh nhất và Mexico, Brazil, Colombia là những thị trường khả quan cho cá tra Việt Nam.

Tiến sỹ Paul S. Valle cũng khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông sản phẩm ngay từ đầu để hiểu và tiếp cận khách hàng tốt hơn. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên tiếp thị dựa theo thị hiếu, mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các thông tin liên quan tới sản phẩm.

Tiến Minh