Giải bài toán thị trường của cá tra Việt

Tiến Minh 29/08/2018 05:09

Bài toán duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm cá tra là vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam.

Lận đận ở nước ngoài

Cá tra Việt Nam liên tiếp gặp “hạn” ở một số quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) thông qua chiến dịch truyền thông sai sự thật từ một số báo đài của các nước này. Cụ thể, tại một quốc gia thành viên của EU là Rumania, mới đây, trên các tờ báo mạng như Realitate.net, Ziuanews.ro, Bzi.ro, Adevarul.ro, Puppe.ro, Secretulsanatatii.net... lại đăng tải những thông tin không chính xác về ngành cá tra Việt Nam, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vào nước này.

Từ những thông tin vô căn cứ, một số tờ báo mạng ở Rumania lại đưa ra khuyến nghị người tiêu dùng nước họ không ăn các món có liên quan đến cá tra Việt Nam; kêu gọi tẩy chay cá tra và cả những nhà hàng đưa món cá này vào thực đơn.

Đầu năm ngoái, kênh truyền hình Cuatro TV ở Tây Ban Nha cũng đã phát sóng một chương trình với thông tin cáo buộc chất lượng nước sông Mêkông phục vụ nuôi cá tra bị ô nhiễm, cho rằng điều kiện nuôi loại cá này ở Việt Nam không đảm bảo vệ sinh. Chương trình này và những chiến dịch truyền thông sau đó đã khiến tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour quyết định không tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn này.

Tương tự, vào năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức cũng đã phát một bộ phim tài liệu về cá tra Việt Nam với mô tả đây là loại cá rẻ tiền, chất lượng thấp vì được nuôi ở vùng nước bị ô nhiễm của dòng sông Mêkông.

Theo các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, việc một số quốc gia ở thị trường EU đưa những thông tin không chính xác và vô căn cứ được lặp đi, lặp lại đã khiến việc tiêu thụ cá tra Việt Nam ở thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU trong năm tháng đầu năm 2018 chỉ được hơn 75 triệu đô la Mỹ, chỉ chiếm 9,5% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đứng sau Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ và ASEAN, dù trước đó luôn giữ vị trí dẫn đầu với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu gần 50% toàn ngành.

Trên thực tế, theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), sản lượng xuất khẩu cá tra, cụ thể là sản phẩm phile cá tra đông lạnh của Việt Nam vào EU liên tục sụt giảm kể từ năm 2010 đến nay. Nếu như năm 2010, sản lượng phile cá tra đông lạnh Việt Nam xuất vào EU đạt khoảng 220.000 tấn thì đến năm 2017 còn khoảng 75.000 tấn.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo Tiến sỹ Paul S. Valle, chuyên gia ngành thủy sản tại Na Uy cho rằng, sản phẩm cá tra nói chung đang có xu hướng bị “đẩy ra” khỏi EU do chịu sự cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cá thịt trắng khác như: cá tuyết, cá lưỡi trâu, cá minh thái… có mức giá rẻ hơn.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, cá tra Việt cũng chịu hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bởi nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài, nhiều khả năng cá tra của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các thủy sản của Trung Quốc ngay tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, sản lượng xuất khẩu cá tra nói riêng, thủy sản của Việt Nam nói chung vào Trung Quốc cũng sẽ giảm.

Cần có chiến lược thị trường mới

Không “bỏ trứng vào cùng một giỏ”, tăng cường tìm thị trường mới là khẳng định của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Cá tra Việt bước vào

    Cá tra Việt bước vào "cuộc chiến" mới

    04:30, 22/08/2018

  • Cá tra Việt lại bị

    Cá tra Việt lại bị "bôi xấu" ở nước ngoài

    16:13, 16/08/2018

  • Gian nan xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc

    Gian nan xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc

    11:11, 14/08/2018

  • "Cửa hẹp" xuất khẩu cá tra sang Mỹ

    04:30, 01/08/2018

  • Tập đoàn Sao Mai nâng cao chuỗi giá trị cá tra bằng công nghệ 4.0.

    Tập đoàn Sao Mai nâng cao chuỗi giá trị cá tra bằng công nghệ 4.0.

    08:42, 07/07/2018

Tiến sỹ Paul S. Valle chia sẻ, dòng chảy cá tra đang có sự “đổi hướng” sang các nước châu Á, khu vực Nam Mỹ và châu Phi. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên chủ động tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, khu vực Nam Mỹ được cho là có mức tăng trưởng nhanh nhất và Mexico, Brazil, Colombia là những thị trường khả quan cho cá tra Việt Nam.

Tiến sỹ Paul S. Valle cũng khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông sản phẩm ngay từ đầu để hiểu và tiếp cận khách hàng tốt hơn. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên tiếp thị dựa theo thị hiếu, mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các thông tin liên quan tới sản phẩm.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Nguyễn Tiến Thông (giảng viên Trường ĐH Nha Trang) cho rằng, việc tìm kiếm các thị trường mới là phù hợp với nhu cầu thực tế và giảm thiểu các rủi ro ở các thị trường truyền thống. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam vẫn nên xác định EU và Mỹ là những thị trường quan trọng nhất.

Theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, mặc dù sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào EU và Mỹ sụt giảm, nhưng thị phần của Việt Nam tại các thị trường này vẫn đảm bảo. Vì vậy, thay vì tăng sản lượng Việt Nam nên chinh phục người tiêu dùng EU, Mỹ bằng các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, việc duy trì xuất khẩu vào EU và Mỹ cũng là động lực để ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam đổi mới phương thức sản xuất, trình độ khoa học công nghệ trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế để từ đó dễ dàng tiếp cận các thị trường khác.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngành cá tra cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt. "Điều chính yếu là làm sao sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng tốt nhất”, ông nhấn mạnh và cho rằng nếu nhìn vấn đề ở một khía cạnh nào đó, ngành cá tra có những cơ hội tốt để tiếp tục củng cố và phát triển chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán thị trường của cá tra Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO