Tiền An và giấc mơ về du lịch cộng đồng
Khi những vùng đất chưa bị nhiễm làn sóng đô thị hóa, vẫn còn giữ được vẻ đẹp chân chất của con người đến cảnh sắc, lại trở thành thế mạnh để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
Vùng đất giàu tiềm năng
Nhiều người tiếc nuối khi làng quê mình đã “tiêu sạch” vốn liếng quý giá để đổi lấy một cái gì na ná thành thị: Phá di tích cổ, lấp ao, lấp giếng, chặt cây, san vườn để xây lên những khối nhà bê tông lừng lững.
Từ bỏ nghề truyền thống “năng nhặt, chặt bị” để đua tranh mặt đường kinh doanh và mơ những giấc mơ làm giàu từ công việc khác dù trong đó có cả những công việc chứa nhiều rủi ro. Đến khi giật mình tỉnh ra, thèm làm du lịch cộng đồng như làng quê khác thì cái cần giữ đã mất, cơ hội không còn. Cái còn lại chỉ là sự tiếc nuối.
Nói thế để thấy rằng xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cái nơi vốn bị chê “đặc quê mùa”, không chịu sáng choang, hào nhoáng như nơi khác hóa ra lại là nơi “cất giấu” rất nhiều vốn liếng để phát triển du lịch cộng đồng: Đó là vùng quê đậm bản sắc văn hóa độc đáo đặc trưng của cộng đồng cư dân khu vực Bắc Bộ.
Không chỉ ở những cái tên làng thuần chất Việt cổ: Chợ Rọc, Cửa Tràng, Cây Sằm, Thôn Đình, Thôn Chùa, Giếng Sen, Thôn Bãi, Giếng Méo, Vườn Chay, Giếng Đá, Cỏ Khê….. mà còn là không gian thanh bình, yên ả, với những vườn cây, rặng tre, hàng cau vươn mình trong nắng, những cánh đồng lúa , vườn rau, nơi mướt xanh, nơi trải vàng óng ả, những ao, đầm nuôi thủy hải sản, những khu miệt vườn xum xuê chuối, nhãn, na, mùa nối mùa cho sản vật, cây trái, và những ngọn đồi thông xanh mát nhấp nhô, những đầm sen thơm hương… khu sản xuất gốm và có cả hệ sinh thái biển chưa được khai thác.
Cùng với đó là các di tích lịch sử văn hóa Đền, Chùa La Khê và một số nhà thờ của các dòng họ trong xã, tạo nên bức tranh làng quê dung dị, đầy màu sắc và cái sự hiền hòa, mộc mạc, chất phác thuần khiết trong tâm tính con người.
Tiền An lại nằm ở địa bàn một thị xã có tới 230 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 45 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nơi có nhiều lễ hội đặc sắc được bảo lưu đến ngày nay như Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Cầu Ngư.
Và ở vị trí khác đắc địa, gần tuyến cao tốc kết nối Hà Nội, Hải Phòng với Quảng Ninh, cách Hạ Long chưa đầy 20 phút ô tô khi tuyến cao tốc này hoàn thành. Nghĩa là Tiền An đã hội đủ những điều kiện cơ bản để trở thành nơi thực hiện dự án du lịch cộng đồng. Một chuyến du lịch “ hai trong một”, thăm thú, trải nghiệm cuộc sống của một làng quê thuần Việt tại Tiền An trước khi thăm danh thắng Hạ Long hoặc ngược lại chắc chắn sẽ là sự lựa chọn của nhiều tua du lịch.
Khi khát vọng gặp quyết tâm
Vào buổi trưa của một ngày tháng 9, tại trụ sở UBND xã Tiền An, chúng tôi cùng Chủ tịch xã, Đàm Quang Toản đã có cuộc trò chuyện khá sôi nổi. Câu chuyện xoay quanh kế hoạch đưa Tiền An trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Mấy năm qua, họ, những người lãnh đạo địa phương đã luôn nghĩ đến việc làm cách nào để Tiền An đẹp hơn và giàu hơn một cách bền vững.
Sự giàu có không phải từ đánh đổi đất đai, môi trường, cảnh sắc mà phải trên nền tảng phát huy, tạo nên những giá trị lớn hơn trên những gì đang có. Chính vì vậy mà khi nghe thông tin về làng quê Yên Đức làm du lịch cộng đồng, các anh đã tổ chức cho các bộ chủ chốt của địa phương một chuyến “thực mục sở thị” tại Yên Đức để xem người ta làm, mình có làm được không.
Sau chuyến đi ấy là cuộc chủ động gặp gỡ giám đốc tổng công ty Du Thuyền Đông Dương, Đoàn Văn Dũng, tác giả của dự án du lịch cộng đồng tại Yên Đức, Vông Viêng. Chính Đoàn Văn Dũng cũng đang đi tìm những vùng đất mới cho giấc mơ phát triển các điểm du lịch cộng đồng của mình.
“Để rồi giờ đây chúng tôi đã có trong tay bản dự án phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại Tiền An, dày 46 trang được trình bày một cách chặt chẽ, chi tiết. Tiền An có những ngôi làng cổ hàng trăm năm nay, trong đó có nhiều giá trị vật chất, tinh thần của cha ông. Chúng tôi không muốn mất đi những giá trị ấy, muốn trao lại nguyên vẹn cho con cháu nhưng chúng tôi cũng muốn Tiền An giàu hơn, người dân có thu nhập cao hơn, vì vậy mà chúng tôi rất ủng hộ dự án này, bởi nó có thể đáp ứng được cả hai điều chúng tôi mong muốn.” ông Toản nói.
Chủ tịch xã Tiền An cũng cho biết thêm, khi được hỏi du lịch cộng đồng kén môi trường và cách ứng xử, không chấp nhận ô nhiễm, nhếch nhác, lối hành xử thiếu văn minh và đòi hỏi những cam kết đảm bảo không gian du lịch. Nghĩa là có những cái phải đi vào khuôn khổ, có những thói quen phải thay đổi, có những thứ phải giữ nguyên trạng. Đây liệu có là thách thức khi làm du lịch cộng đồng không chỉ cần cái bắt tay “hợp đồng tác chiến” giữa doanh nghiệp với chính quyền mà phải là sự tham dự của người dân như là một trong những chủ thể chính?
“Không, điều đó không đáng ngại. Chúng tôi đã vận động nhân dân tình nguyện nhường rất nhiều diện tích đất đai của các gia đình, huy động trong dân hàng tỷ đồng làm đường, xây dựng thành công nông thôn mới thì việc vận động người dân thực hiện các yêu cầu này, chúng tôi tin là dân sẽ hưởng ứng. Mà suy cho cùng thì điều đó chỉ có lợi cho người dân chúng tôi mà thôi.” Chủ tịch xã cả quyết.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh – Mỏ vàng của du lịch cộng đồng
08:00, 18/07/2018
Phát triển du lịch cộng đồng: Một giải pháp, đa lợi ích
14:14, 25/07/2018
Trở lại Vông Viêng - Linh hồn của di sản Hạ Long!
09:00, 10/08/2018
Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ I): Câu chuyện của VanMak và làng quê Yên Đức
10:00, 28/06/2018
Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”
11:16, 30/06/2018
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Thịnh - thôn trưởng thôn Cau và ông Phạm Xuân Phong, trưởng thôn Núi Thùa đều cho biết bà con rất phấn khởi trước thông tin xã Tiền An được chọn để thực hiện dự án du lịch cộng đồng.
“Tại sao chúng tôi lại phản đối khi mà vườn cau nhà tôi trước chỉ chờ đến mùa hái mang đem bán, nay có thể là sản phẩm du lịch cho khách đến tham quan, tìm hiểu phong tục về miếng trầu, quả cau, sau đó là mang đem bán, thậm chí là bán trực tiếp tại chỗ cho khách. Nghĩa là chúng tôi sẽ có giá trị nhân đôi trên một vườn cau. Còn vệ sinh môi trường, sạch cho khách cũng chính là sạch cho mình, ứng xử lịch sự, văn minh chỉ làm cho mình tốt lên, có gì mà không làm được chứ. Chúng tôi rất chờ ngày được tham gia dự án”, bà Thịnh cho biết.
Chân dung dự án
Trên cơ sở lấy việc phát triển hiệu quả kinh tế nông nghiệp địa phương và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của địa phương để xây dựng một cộng đồng thân thiện, hạnh phúc làm tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, Tiền An sẽ có khoảng 1142,5 ha trong quy hoạch làm du lịch cộng đồng với các loại hình dịch vụ: Tham quan trải nghiệm, dịch vụ ẩm thực (Ẩm thực đồng quê, biển), mô hình cửa hàng mua bán chợ quê xưa (Các sản vật địa phương), dich vụ nghỉ lại Làng (Homstay, nhà việt, Resort), dịch vụ hát dân gian, múa rối nước, kịch.
Tùy đặc trưng ngành nghề, cảnh quan, sản vật các làng, sẽ hình thành những không gian du lịch mang tên: Làng Tre, Làng Cau, Làng Hoa, Làng Rau, Làng Lúa, Làng Sen, Làng Biển, Làng Việt, Làng Miệt Vườn, Làng Nghề (gốm) và được kết nối bởi các tuyến đường tham quan theo chủ đề mang tên: Tuyến đường Hạnh phúc, tuyến Đường Tình yêu, tuyến đường Tâm linh, tuyến đường Vinh danh ( Văn chỉ), tuyến đường Gốm sứ.
Mỗi tuyến đường sẽ có những mô hình, hình ảnh khắc họa các chủ đề. Tuyến đường vinh danh sẽ bố trí các văn bia ghi lại tên tuổi, công trạng các trạng nguyên, những người con thành đạt của nước Việt và người con Quảng Ninh đỗ đạt trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Khách sẽ được tham quan cảnh sắc các làng, thăm các di tích, các công trình văn hóa, tham dự các lễ hội truyền thống của địa phương: Lễ hội đêm trăng, lễ hội hoa sen, lễ hội mùa màng…. Nghe hát chèo, hát quan họ, xem múa rối, nghe các câu chuyện lưu truyền về truyền thuyết, sự tích, thưởng thức hoặc mua về làm quà các sản vật từ rau, lúa, hoa quả, thủy hải sản của địa phương tại nơi tham quan, khu chợ xưa hoặc qua hệ thống nhà hàng ẩm thực Việt.
Rồi những cuộc trải nghiệm cuộc sống của người dân quê: Cưỡi trâu, cày ruộng, xay thóc, sàng gạo, nấu rượu, làm bánh, làm chổi, làm cốm, gói bánh chưng, hái cau, hái sen, đi thuyền trên hồ sen... và có thể nghỉ đêm tại các nhà dân ( Homestay) hoặc trong khuôn viên làng Việt với các căn nhà thuần kiểu nhà Việt cổ chen giữa những cánh đồng lúa, rau.. Cũng theo dự án, các không gian du lịch sẽ được đầu tư đẹp hơn, mang tính khu biệt hơn và thuần Việt hơn.
Các miệt vườn cây trái, các cánh đồng rau, lúa, hoa sẽ được gia tăng số lượng, chất lượng cây trồng, sản phẩm để có thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch và mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các địa phương khác. Tham vọng của những người xây dựng dự án, ngoài mục đích lợi nhuận cho doanh nghiệp, gia tăng thu nhập cho người dân thông qua việc đưa họ tham gia làm du lịch, trả phí cho các gia đình được lựa chọ là điểm du lịch và giúp họ dễ dàng bán sản phẩm tại chỗ cho khách với dự kiến 100% hộ gia đình được hưởng lợi, còn là để Tiền An được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến như một Việt Nam thu nhỏ về nông thôn, nông dân, giàu bản sắc, hiền hòa, chất phác.
Thậm chí, có thể trở thành một nơi chuyên diễn xuất phim trường cổ cho các hãng phim. Với tổng kinh phí hơn 600 tỷ, từ nguồn vốn của Công ty Du Thuyền Đông Dương, vốn huy động từ các cổ đông lữ hành và vốn vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài, dự án hoàn thành, bản đồ các địa chỉ du lịch nên đến ở Quảng Ninh sẽ ghi danh cái tên Tiền An. Với thời gian từ 2,3,5 tiếng, thậm chí là qua đêm, du lịch Tiền An sẽ góp kéo dài thời gian lưu trú của khách tại Quảng Ninh. Với doanh thu ước tính trên dưới 200 tỷ đồng/ năm, từ lượng khách bình quân 350 ngàn lượt người, lợi nhuận trên dưới 60 tỷ đồng, sẽ là nguồn thu không nhỏ hàng năm cho ngân sách nhà nước.
Du lịch cộng đồng Tiền An – có thể coi như sự hóa giải xung đột giữa việc giữ gìn bản sắc truyền thống, giữ gìn nét đẹp làng quê Việt với nhu cầu phá vỡ sự trì trệ, phát triển kinh tế. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tiền An và doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Du Thuyền Đông Dương, những người dành rất nhiều tâm huyết cho dự án đang chờ đến ngày dự án chính thức được chấp thuận, đi vào thực hiện. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang dành sự quan tâm cho dự án này.
Quảng Ninh đang quyết tâm phát triển mạnh du lịch, đặc biệt khuyến khích những dự án du lịch gắn với bảo vệ bản sắc, bảo vệ môi trường, gia tăng sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo công ăn, việc làm cho người dân tại chỗ. Dự án du lịch Tiền An thỏa mãn các yêu cầu ấy. Hy vọng một ngày không xa là những cuộc xách ba lô lên đường của du khách trong, ngoài nước với lịch trình những nơi đến có địa chỉ đỏ mang tên Tiền An!