Phát triển du lịch cộng đồng: Một giải pháp, đa lợi ích

Lê Cường 25/07/2018 14:14

Giờ đây làng quê Yên Đức (Đông Triều, Quảng Ninh) đã được “định vị” trong bản đồ du lịch Quảng Ninh như một địa danh du lịch cộng đồng mà du khách nên đến.

Tuy nhiên để đạt được điều này là điều không hề dễ dàng.

Từ ngần ngại đến hồ hởi

Ngồi cùng chúng tôi bên cạnh những vị khách du lịch đang chờ xem chương trình múa rối, trong không gian xanh mát cây trái của khu biểu diễn, trưởng thôn Yên Đức, bà Trương Thị Mến nói rầt nhiều về những cái được mà du lịch cộng đồng mang lại cho làng quê của mình.

"Đầu tiên không phải ai cũng hiểu mà ủng hộ đâu", bà Mến cho biết và nhắc lại câu chuyện ngày mới tổ chức các tua du lịch cộng đồng tại đây, có những hộ dân không hưởng ứng đã cuốc đường, lăn đá để xe chở khách không vào được làng.

Bà Mến tiếp tục câu chuyện: "Cụm từ “dịch vụ du lịch” làm họ liên tưởng đến sự ồn ào, xô bồ, phức tạp sẽ mất đi nét dẹp vốn có của làng quê. Như chủ nhân khu biểu diễn múa rối nước tại đây, các anh chị trong công ty CP Du thuyền Đông Dương cùng chúng tôi đã mất nhiều buổi thuyết phục, phân tích cho chủ nhà hiểu rằng hợp tác với chúng tôi, cảnh sắc không gian, sân vườn không những vẫn được giữ nguyên, thậm chí còn đẹp hơn lại có nguồn thu nhập hàng tháng, hơn vì cứ để xơ xác mà nguồn thu hầu như chả bõ bèn."

Khách du lịch thích thú với sinh hoạt đậm nét làng quê Việt

Khách du lịch thích thú với sinh hoạt đậm nét làng quê Việt. Ảnh Lê Cường

"Kiên trì, rồi may bác ấy đồng ý song vẫn có chút ngại ngần. Nhưng rồi chứng kiến cung cách làm du lịch của công ty CP Du thuyền Đông Dương, chứng kiến những đoàn khách đến và đi, họ vỡ lẽ: Hóa ra mọi lo lắng là thừa bằng thừa. Cảm giác là sự áy náy vì ban đầu đã cư xử không đúng. Giờ thì hầu hết mọi người đều thừa nhận làng quê họ thật may mắn khi được chọn là nơi tổ chức du lịch cộng đồng", bà Mến vui vẻ cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ I): Câu chuyện của VanMak và làng quê Yên Đức

    Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ I): Câu chuyện của VanMak và làng quê Yên Đức

    10:00, 28/06/2018

  • Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”

    Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”

    11:16, 30/06/2018

  • Quảng Ninh – Mỏ vàng của du lịch cộng đồng

    Quảng Ninh – Mỏ vàng của du lịch cộng đồng

    08:00, 18/07/2018

Còn với người dân làng chài Vông Viêng trên vịnh Hạ Long, sau sự dè dặt ban đầu khi nghe đề nghị hợp tác làm du lịch với địa bàn tổ chức là không gian làng chài, luồng sinh khí mới từ du lịch cộng đồng mang lại cùng với việc nhận những khoản thu nhập đầu tiên khi cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con hết thảy đều hồ hởi phấn khởi.

Lãnh đạo và đông đảo người dân xã Tiền An (Quảng Yên, Quảng Ninh) nơi đang trong giai đoạn khảo sát để tổ chức du lịch cộng đồng cho biết, họ rất mong chờ dự án này sẽ được thực hiện trên quê hương họ. Cũng theo vị trưởng thôn Yên Đức, vừa qua có đoàn lãnh đạo một số địa phương đến thăm, tìm hiểu cách làm du lịch cộng đồng tại đây với mong muốn một ngày nào đó làng quê họ cũng sẽ là điểm đến của các tua du lịch.

Không mất, chỉ có được

Tất cả những sự hồ hởi, phấn khởi đều có căn nguyên của nó. Hãy hình dung nông thôn việc đồng áng đã nhàn hơn xưa nhiều do cơ giới hóa. Tuy nhiên, thu nhập từ nông nghiệp khá thấp và người nông dân cần có thêm một việc gì đó ngay trên quê hương họ để nâng cao đời sống.

Lại nữa, xu hướng đô thị hóa và cơn sốt đất đai lan nhanh đến các làng quê thời gian qua với giá đất gia tăng mỗi ngày đã tạo nên những cám dỗ chết người. Những cuộc mua bán ồ ạt, chóng vánh. Trong nhiều trường hợp đã phá hỏng cảnh quan, làm biến mất các di tích, phá vỡ nhiều mối quan hệ.

Những khoản tiền bán đất không phải bao giờ là cứu cánh cho sự ổn định. Nhiều người dân trở nên bơ vơ trên quê hương mình và tương lai bất định do không còn thứ vốn liếng quý giá là đất đai. Không ít những cuộc hành hương kiếm sống nơi thành phố mà lòng vẫn nặng trĩu nỗi niềm được gắn bó với quê hương.

Trải nghiệm, ngắm vẻ đẹp Hạ Long với người dân làng chài Vông Viêng là hoạt động không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào khi đến với vịnh Hạ Long. Ảnh Lê Cường

Trải nghiệm, ngắm vẻ đẹp Hạ Long với người dân làng chài Vông Viêng là hoạt động không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào khi đến với vịnh Hạ Long. Ảnh Lê Cường

Trong bối cảnh đó, phát triển du lịch cộng đồng, theo đúng nghĩa là khai thác những gì thuộc về bản sắc, độc đáo và truyền thống, bao gồm bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống, nếp sinh hoạt, công việc, phong cảnh để tổ chức các tua tham quan, trải nghiệm sẽ là phương thức đặc dụng, là “bảo bối” để kiếm tìm, gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp, cho người dân và cho mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa, không gian, kiến trúc thôn xóm, làng bản.

Nói đến việc làm cho người dân. Yên Đức có 40 lao động được đưa vào làm du lịch, hàng chục gia đình hàng tháng được trả tiền thuê ao, hồ, vườn cây, nhà ở cho du khách trải nghiệm. Vông Viêng, làng chài nhỏ hơn 30 lao động được thu hút chèo thuyền chở khách, một số gia đình được chọn đưa khách đi trải nghiệm đánh cá.

Họ vẫn là những người nông dân, ngư dân thực thụ với công việc đồng áng, cày cấy, đánh cá, câu mực như bao năm, chỉ là du lịch cộng đồng đã cho họ cơ hội có thêm một công việc nữa và vì vậy mỗi tháng họ có thêm từ 3 đến 5 triệu đồng, một con số không nhỏ so với mức thu nhập của lao động nông thôn. Ở Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô, một số hộ dân đã trở nên khá giả khi tham gia làm du lịch cộng đồng.

Đó là chưa nói, khi khách du lịch đến kéo theo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại chỗ người dân cũng sẽ được kích thích để phát triển sản xuất các sản phẩm “cây nhà, lá vườn” phục vụ khách du lịch, khi một trái ổi, một củ khoai, một gói xôi thưởng thức tại chỗ với khách cũng là cả một sự thích thú.

Và khi một địa phương được tổ chức làm du lịch cộng đồng, với đặc thù của loại hình du lịch này, bức tranh phong cảnh đầy thơ mộng của các làng quê sẽ không bị biến mất trước sự xâm lấn khốc liệt của trào lưu bê tông hóa. Những truyền thống làng nghề, những nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ có cơ để phục hồi.

Như tại Yên Đức từ khi du lịch cộng đồng được đưa vào, với việc tổ chức các dịch vụ văn nghệ truyền thống tại chỗ để phục vụ khách, hoạt động múa rối, hát chèo, hát quan họ đã “có đất” để được nuôi dưỡng, thi thố thường xuyên với các diễn viên cũng chính là nhân dân trong thôn, cái dòng chảy văn hóa truyền thống sẽ được khơi nguồn.

Quảng Ninh được ví như một mỏ vàng của du lịch cộng đồng. Trong ảnh là ngày hội kiêng gió tại huyện Bình Liêu. Ngày hội này, người dân đều kéo nhau ra đường, xuống chợ tạo nên một không khí lễ hội tuyệt với. Ảnh Lê Cường

Quảng Ninh được ví như một mỏ vàng của du lịch cộng đồng. Trong ảnh là ngày hội kiêng gió tại huyện Bình Liêu. Ngày hội này, người dân đều kéo nhau ra đường, xuống chợ tạo nên một không khí lễ hội sôi động. Ảnh Lê Cường

Đó là chưa nói, với cách ứng xử “có đi, có lại”, các đơn vị kết hợp với địa phương làm dịch vụ đã có những chương trình ủng hộ, tài trợ cho địa phương như kiến thiết, nâng cáp đường xá, đầu tư vệ sinh môi trường, ủng hộ các đoàn thể, trường học. Như Công ty CP Du Thuyền Đông Dương đã ủng hộ trên 200 triệu đồng cho các hoạt động này của địa phương thời gian qua.

Và ngay cả các đoàn khác du lịch, sau những trải nghiệm, với những người dân chất phác, mến khách, họ cũng muốn làm một điều gì đó cho bà con. Tại làng chài Vông Viêng, đã có trên 200 triệu của khách du lịch dành tặng cho việc xây các lớp học cho trẻ em và hàng loạt các thùng đựng nước ngọt được mua tặng cho bà con từ sự hảo tâm của khách.

Lê hội trà hoa vàng, Ba Chẽ. Ảnh Lê Cường

Lễ hội trà hoa vàng, Ba Chẽ. Ảnh Lê Cường

Và, muốn làm du lịch cộng đồng thì không thể ô nhiễm, mất vệ sinh, mất an ninh, không thể phô diễn hình ảnh xấu xí về cách hành xử. Đó dường như là một nguyên tắc và người dân sẽ ý thức được giá trị của lối sống chất phác, thân thiện, văn minh, giá trị của một làng quê có môi trường sạch đẹp trong việc tạo nên sức lan tỏa về một nơi nên đến, gia tăng sự thu hút khách để sống, hành xử có trách nhiệm hơn.

Còn nữa, như một lẽ tự nhiên, khi tham gia làm du lịch cộng đồng, trực tiếp hàng ngày với khách, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ có điều kiện hơn và quyết tâm hơn trong việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để có thể tiếp cận với một thế giới mỗi ngày đậm đặc thông tin và luôn đổi thay, chuyển động không ngừng.

Xét trên phạm vi toàn quốc, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, nhiều sản vật nông nghiệp. Nhiều vùng quê Việt Nam giàu cảnh sắc, tiềm ẩn bên trong  những nét riêng đặc sắc về con người, văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghĩa là chúng ta đang có rất nhiều “ đặc sản” để  có thể “thết đãi” du khách. Chỉ là chúng ta có nhìn ra, có biết cách khai thác và có mạnh dạn, quyết tâm hay không.

Du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển, trở thành “khẩu vị” của khách du lịch tại nhiều quốc gia, vậy thì còn chờ gì nữa  khi nhiều người trong chúng ta đang nuôi khát vọng làm cho làng quê giàu có hơn, du khách đến Việt Nam đông hơn, cái tên Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới, kinh tế du lịch sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn, bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển du lịch cộng đồng: Một giải pháp, đa lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO