Lối đi mới cho ngành hồ tiêu Việt

Nha Trang 01/10/2018 15:49

Trong bối cảnh nhiều vườn tiêu đổ bệnh, nông dân phá bỏ vườn để trồng cây ăn trái ngắn ngày, phương pháp trồng hồ tiêu hữu cơ đang thể hiện rõ ưu thế.

Nghịch lý của "vàng đen"

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu tháng 8/2018 ước đạt 20 ngàn tấn, trị giá 58 triệu USD, đưa xuất khẩu hồ tiêu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 173 ngàn tấn, với 577 triệu USD, tăng 13,07% về lượng và tăng 11,29% về giá trị so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 3.379 USD/tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2017. 

Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, tuy nhiên, một nghịch lý là phần lớn lại ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa có thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều, giá trị gia tăng thấp.

Đối với người trồng, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường còn hạn chế, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đồng đều do nhiều địa phương có thổ nhưỡng không phù hợp trồng tiêu. Việc sử dụng phân hóa học, chất kích thích không đúng liều lượng khiến cây tiêu dễ bị bệnh nấm tấn công và nhiễm chất hóa học cao. Điều này dẫn đến hạt tiêu Việt Nam giảm cạnh tranh và uy tín trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, các nước đang tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với tiêu nhập khẩu từ Việt Nam. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRL (dư lượng tối đa cho phép) một số hoạt chất bao gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… đối với hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ cuối năm 2016, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến nâng mức MRLs đối với Metalaxyl sử dụng trong hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm. Trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, sau quá trình đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương, EC đã giữ nguyên mức MRL Metalaxyl ở mức 0,1 ppm đến hết năm 2018.

Sau năm nay, nếu kiến nghị của EC áp dụng MRL cho phép đối với hồ tiêu nhập khẩu được thông qua, hơn 80% lượng hồ tiêu xuất khẩu vào EU của Việt Nam khả năng gặp khó khăn.

Hiện, Việt Nam có thể cung ứng trên dưới 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% - 65% tổng sản lượng tiêu thế giới. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu, giá tiêu đã giảm từ 200.000 đồng/kg vào đầu năm ngoái xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg cuối năm. Đà tụt dốc này tiếp tục kéo dài từ đầu năm 2018 và giá tiêu đang dao động từ 47.000 – 49.000 đ/kg.

Bên cạnh đó, tình trạng dư nguồn cung trên toàn cầu vẫn tiếp diễn khi Indonesia, Malaysia… đang tiến hành thu hoạch, cũng gây sức ép, làm giảm giá hạt tiêu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát chất lượng hồ tiêu.

Lối đi mới cho hồ tiêu Việt

Trong bối cảnh nhiều vườn tiêu đổ bệnh, nông dân phá bỏ vườn để trồng cây ăn trái ngắn ngày, phương pháp trồng hồ tiêu hữu cơ đang thể hiện rõ ưu thế.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết nhu cầu tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới rất cao. Nếu sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đạt được tiêu chuẩn đó thì giá có thể tăng tới 4 - 5 lần.

Có thể bạn quan tâm

  • Điêu đứng hồ tiêu Tây Nguyên (Kỳ I): Thủ phủ hồ tiêu thành con nợ

    Điêu đứng hồ tiêu Tây Nguyên (Kỳ I): Thủ phủ hồ tiêu thành con nợ

    04:18, 30/09/2018

  • Bài toán khó của hồ tiêu xuất khẩu

    Bài toán khó của hồ tiêu xuất khẩu

    05:02, 30/08/2018

  • Hồ tiêu Việt Nam:

    Hồ tiêu Việt Nam: "Cơn ác mộng” của hồ tiêu Ấn Độ

    07:01, 24/07/2018

  • Hồ tiêu trên

    Hồ tiêu trên "chảo lửa"

    04:25, 17/07/2018

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng cách duy nhất để cải thiện giá tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền.

Ông Hải cho biết giá tiêu thô chỉ dao động khoảng 2.800 - 3.000 USD/tấn, trong khi giá tiêu đen nghiền và giá tiêu trắng nghiền lên tới 5.000 USD/tấn. Hiện nay, tiêu thô chiếm tới 81% tỷ trọng xuất khẩu tiêu của Việt Nam.

Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng tiêu không đúng quy tắc, theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật: “Hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với viện IDH xây dựng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật. Với phần mềm này, bà con sẽ tra cứu được quy cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý, đúng quy trình”.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết thêm, Cục cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào tham gia chuỗi xuất khẩu hồ tiêu.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tiêu Việt Nam, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu.

Nha Trang