Do áp lực nguồn cung lớn, từ năm 2017 đến nay ngành hồ tiêu Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng giá giảm chóng mặt.
Dư cung, giá rơi xuống thấp
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 6/2018, xuất khẩu (XK) hạt tiêu ước đạt 22.000 tấn, giá trị đạt 71 triệu USD. Lũy kế XK hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 132.000 tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng nhưng giảm tới 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 (lượng XK hạt tiêu của VN trong năm 2017 đạt 214.900 tấn, tăng 20,8% so với năm 2016, kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2016).
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, giá XK hồ tiêu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Theo đó, giá XK bình quân 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017. Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới vào khoảng 350.000 tấn/năm, trong đó, nguồn cung từ Việt Nam là 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Hiện nay, có tới 95% sản lượng sản xuất tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô lẫn sản lượng.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung trong nước đang vượt cầu dẫn tới giá hồ tiêu của Việt Nam rơi vào trạng thái bị động. Diện tích trồng tiêu tự phát đã vượt quá hạn quy hoạch mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước gần 160.000 ha, vượt quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới năm 2030 đến 300%. Còn trên thế giới, các quốc gia như Brazil, Campuchia và Trung Quốc… cũng đang không ngừng gia tăng diện tích trồng hồ tiêu.
Hệ lụy của việc tăng diện tích trồng tiêu tự phát trong nước là làm dư cung, giảm giá sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có thổ nhưỡng không phù hợp cũng trồng tiêu khiến giảm năng suất, thiệt hại cho nhà nông. Trên thị trường xuất khẩu, hồ tiêu của Việt Nam phần lớn bán ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều. Đối với người trồng, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường đến còn hạn chế, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn xảy ra.
Như vậy, có thể thấy, phát triển nóng, sản xuất theo phong trào, bế tắc đầu ra cùng với các rào cản thương mại mà đối tác đặt ra đang khiến ngành hồ tiêu đối mặt với một năm đầy rủi ro, có nguy cơ mất mùa, mất luôn cả vị trí “thủ lĩnh” của ngành hồ tiêu thế giới.
Gỡ nút thắt cho hồ tiêu
VPA cho biết, năm 2018 năng suất hạt tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt nam có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017, dẫn tới dư thừa. Điều này có nghĩa là giá tiêutrong năm 2018 cũng như sang năm 2019 rất khó hồi phục.
Bên cạnh đó, XK hạt tiêu Việt Nam cũng đang gặp phải một loạt rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Mỹ, EU…
Có thể bạn quan tâm
12:44, 14/05/2018
06:10, 01/03/2018
16:57, 05/01/2018
Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), giá tiêu hiện nay vẫn trong xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Để vượt qua khó khăn hiện tại, ngành tiêu Việt Nam phải chủ động được lợi thế là nắm giữ nguồn cung lớn, ngừng bán khi giá giảm xuống và kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tiêu Việt Nam, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu. Trước đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng nhấn mạnh làm sao hiệp hội và các địa phương phải nắm được thị trường, chủ động ra được giá.
“Việt Nam đang ở vị thế thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa thể hiện được vị thế này. Vì thế, từ năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu”- ông Doanh khẳng định.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tiêu lớn ở TP. Hồ Chí Minh), hiện tại Việt Nam và Campuchia đã qua vụ thu hoạch chính, nhưng nhiều nước khác (như Trung Quốc) đang vào vụ. Hồ tiêu khô có thể giữ lâu được, nên nhà nông có thể dự trữ sản phẩm lại, không nên bán ra ồ ạt khi giá thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nên giảm việc ký hợp đồng trước (hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước cả năm 2018 ở mức dưới giá thành).