Hồ tiêu đang có cơ hội gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu khi nhu cầu mặt hàng này trên toàn cầu tăng cao.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ 2,2% nhưng do giá xuất khẩu giữ ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng đến 40,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 129,9 triệu USD, giảm 22,7% về lượng, giảm 7,9% về giá trị so với tháng trước nhưng tăng 43,7% về lượng và 128,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn, tăng lần lượt 15,7% đối với tiêu đen và 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại. Trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 2,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%.
Với đà tăng trưởng này, cùng với giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao do cung thấp hơn cầu, nhiều khả năng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD, đưa ngành hàng này trở lại nhóm ngành hàng "tỷ đô" kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, quy luật giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy ở các năm trước. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam ( VPSA) đánh giá, nếu muốn giá tiêu tăng lên thì phải có “lực đẩy” của thị trường.
Hoa Kỳ và châu Âu chiếm gần 50% lượng xuất khẩu của Việt Nam và đã mua rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, các tháng cuối năm nếu hai thị trường này không mua nhiều, giá có thể khó bật tăng mạnh trở lại như trước đó.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) – đây là doanh nghiệp trong top 7 thị phần xuất khẩu tiêu cho rằng, việc giá tiêu tăng mạnh nhưng người bán không “vội vàng”. Nếu người trồng tiêu chưa bán ra mà đợi cho giá tăng thêm, đôi khi lại bị mất đi cơ hội.
Ông Lê Đức Huy phân tích, lượng hàng tồn kho của Việt Nam còn khoảng 30% tương đương 50.000 - 55.000 tấn. Nhưng, trong nửa đầu năm nay các thị trường mua hàng truyền thống của Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn tiêu. Điều này đồng nghĩa họ cũng không vội mua thêm hàng.
Do đó, theo ông Lê Đức Huy mặc dù tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn tiếp diễn, nhưng giá tiêu sẽ khó có đợt tăng mạnh như hồi đầu năm.
“Có thể, giá tiêu vẫn ở mức này trong thời gian tới. Nông dân kỳ vọng giá sẽ tăng sốc trở lại, nhưng cá nhân tôi cho rằng điều này rất khó”, ông Lê Đức Huy nói.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Tiêu Việt Nam cho biết, giá tiêu trên thị trường đang tăng cao là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam.
“Chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường sang các khu vực mới như Trung Đông và châu Phi", ông Nguyễn Văn Tâm bày tỏ.
Để tận dụng tốt cơ hội này, ông Nguyễn Văn Tâm đề xuất ngành tiêu Việt cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển thương hiệu.
Bà Trần Thị Mai, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Tiêu Sạch chia sẻ, hiện nay nhu cầu tiêu thụ tiêu sạch và hữu cơ đang tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường phát triển như EU và Bắc Mỹ.
“Chúng tôi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này bằng cách đầu tư vào quy trình sản xuất tiêu sạch từ trang trại đến chế biến và đóng gói. Đồng thời, ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà bán lẻ lớn ở châu Âu, nhờ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm", bà Trần Thị Mai nói.