Chuyện cây hồ tiêu chết như ngã rạ tại thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên lâu nay không phải diều mới lạ, nhưng đến nay, người nông dân trồng tiêu cũng đang “hấp hối” cần được giải cứu.
Có thời huyện Chư Pưh được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu không chỉ riêng tỉnh Gia Lai mà cả tại Tây Nguyên. Đến nay, trước sự “tác động kép” do giá cả xuống đáy và tiêu chết hàng loạt, những nông dân trồng tiêu tưởng chừng là tỷ phú thì đồng loạt biến thành con nợ khiến chính quyền đau đầu, còn các ông chủ nhà băng cũng méo mặt.
Tan tác … xã tỷ phú
Tại xã Ia Blứ, nơi cây tiêu đã từng đưa người trông tiêu lên đỉnh trở thành những “tỷ phú hồ tiêu” thì nay, chính hồ tiêu cũng nhấn chìm họ xuống vực thẳm.
Cả xã có 1.478 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu thì có đến hơn 1.211 nhân khẩu đã phải bỏ làng đi làm ăn xa. Riêng 5 tháng năm 2018 có 980 nhân khẩu, trong đó số hộ chuyển đi nơi khác là 24/39 nhân khẩu.
Ngay cả hộ giàu có như ông Văn Viết Sỹ (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) với căn nhà tiền tỷ cũng nợ hơn 200 triệu đồng tại Ngân hàng NNPTNT chi nhánh huyện Chư Pưh.
Ông Sỹ than thở: “Hơn 4.000 trụ tiêu đã chết trắng, chẳng có nguồn thu gì, giờ chạy vạy lo bữa cơm gia đình đã khó, thêm tiền trả lãi ngân hàng cũng chết thôi!”.
Ông Đặng Thanh Long – Chi Hội trưởng Chi hội nông dân thôn Thủy Phú cho biết, ở thôn này có đến 95% người dân đang mắc nợ ngân hàng. Ông Long chua chát: “Tôi gần 70 tuổi còn làm được gì nữa mà phải nuôi mẹ già, rồi thêm 3 đứa cháu nhỏ!”
Trước thông tin người dân trồng tiêu nợ như chúa chổm, chúng tôi đến UBND xã Ia Blứ, được cán bộ ở đây cho biết, tổng số hộ còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại là 1.055 hộ với số tiền 221,006 tỷ đồng. Trong đó, nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NNPTNT) là 160 hộ/44,09 tỷ đồng; ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) là 282 hộ/93,5 tỷ đồng; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 103 hộ/39.14 tỷ đồng…
Trước sự “tác động kép” do giá cả xuống đáy và tiêu chết hàng loạt, những nông dân trồng tiêu tưởng chừng là tỷ phú thì đồng loạt biến thành con nợ khiến chính quyền đau đầu, còn các ông chủ nhà băng cũng méo mặt.
Một cán bộ địa chính xã đã liệt kê hàng loạt hộ bỏ đi hoặc bị ngân hàng kê biên tài sản như hộ ông Nguyễn Văn Khiêm, ông Nguyễn Văn Tiến, ông Vương Hùng. Nhiều hộ tự nguyện giao nộp tài sản cho ngân hàng như hộ ông Nguyễn Hàng, Nguyễn Ly, Lê Văn Thịnh… Ngoài ra, cán bộ này không quên: “Còn nhiều lắm, liệt kê chưa đầy đủ đâu!”
Báo động đỏ cho ngành hồ tiêu
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, những hộ dân trồng tiêu lâm cảnh khốn cùng chủ yếu tại một số xã “độc canh” cây tiêu. “Khoảng gần 10 năm giá hồ tiêu ổn định rồi tăng cao nhiều người đã vay mượn ngân hàng mở rộng diện tích. Khi có thu nhập tiền tỷ lại đi xây nhà cửa tò đùng, hoành tráng, mua sắm, rồi tái đầu tư. Chủ quan không trả nợ ngân hàng, khi tiêu chết thì gặp khó khăn”, ông Bính phân tích.
Được biết, qua nhiều lần họp bàn với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng thương mại đã thống nhất cơ cấu lại nợ cho các hộ dân trồng tiêu trên địa bàn huyện. Cụ thể, Ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu lại nợ, cho vay mới, miễn giảm lãi suất cho 263 hộ với số tiền cơ cấu lại nợ gần 58.3 tỷ đồng. Trong đó, miễn giảm lãi vay là 4.6 tỷ đồng, giảm lãi suất hơn 4.1tỷ đồng, cho vay mới là 49.3 tỷ đồng; số nợ xấu còn lại 78.5 tỷ đồng.
Về kiến nghị của người dân được khoanh nợ, ông Nguyễn Văn Cư – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai cho rằng, không thuộc thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Cư phân tích, muốn được khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ – CP quy định trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công bố vùng thiên tai, dịch bệnh; tổng hợp, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nếu công bố dịch hại, thiên tai, giá hồ tiêu sẽ còn giảm sâu sẽ tiếp tục tác động đến người nông dân, và cả ngành hồ tiêu Việt Nam.