Ngành gỗ Việt đang "lỡ nhịp" FTA với Hàn Quốc?
Hơn 2 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng việc tận dụng VKFTA nhằm thúc đẩy xuất khẩu vẫn gặp nhiều hạn chế.
Kể từ khi có hiệu lực từ cuối năm 2015 đến nay, VKFTA đã và đang mang lại nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế thương mại của mình.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, FTA này đã và đang hỗ trợ cho doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam. Việt Nam hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là điểm đến đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc, trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu thô và các mặt hàng bán thành phẩm vào Việt Nam để gia công, sản xuất và nhập lại các sản phẩm hoàn thiện", ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Châu Phi (Bộ Công thương) cho biết.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, tương đương với quy mô thị trường EU. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những nhà cung cấp sản phẩm gỗ lớn của Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt nam hiện chiếm khoảng 10% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm
2 “cây gậy” chỉ đường doanh nghiệp tận dụng tối đa VKFTA và AKFTA
12:12, 04/01/2018
Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA): Doanh nghiệp nên tận dụng thế nào?
00:00, 21/05/2015
Biến thách thức từ FTA thành cơ hội đầu tư
10:20, 28/10/2018
FTA EU- Singapore và cơ hội cho Việt Nam
07:58, 23/10/2018
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ VKFTA đang nghiêng về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đang đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. còn các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận vào chuỗi cung ứng và các ưu đãi của hiệp định. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc có lợi thế về việc hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường Hàn Quốc, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam cần có thời gian tìm hiểu cũng như nắm bắt thị hiếu của người dân Hàn Quốc, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.
Theo nhiều chuyên gia, để tận dụng Hiệp định VKFTA, chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể hóa một số cơ hội khá bài bản trong khi phía Việt Nam còn khá bị động. Việc tiếp cận thông tin cũng như phương pháp vận dụng ưu đãi từ Hiệp định VKFTA của doanh nghiệp Việt còn nhiều lúng túng.
Để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà VKFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về VKFTA cũng như các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Đồng thời phải nhanh chóng thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thông tin, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng các điều khoản để được hưởng ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh từ đó thúc đẩy xuất khẩu, hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.
Xung quanh câu chuyện tận dụng ưu đãi từ Hiệp định VKFTA, ông Choi Dae Kyoo - chuyên gia dịch vụ hải quan và thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc – Việt Nam) phân tích, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định VKFTA là sự thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục trong nguồn nguyên liệu cùng những hạn chế trong việc xây dựng các chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ.
Theo ông Choi Dae Kyoo, các doanh nghiệp nên nâng cao kiến thức của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong việc tiếp cận với các cơ sở dữ liệu về FTA. Từ đó mới có thể đưa ra biện pháp ứng phó với những thay đổi cho kịp thời, phù hợp, giúp tận dụng tốt FTA. Ngoài ra các hiệp hội cũng nên thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp có kinh nghiệm với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm tận dụng FTA.