Để biến các cơ hội từ FTA thành hiện thực, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn trong việc thực thi hiệu qủa các cam kết gắn với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam tham gia các FTA đã và đang đem lại cho Việt Nam những cơ hội và thách thức đan xen.
Cùng với lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, có thể thấy tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế đang chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các FTA trong đó có thu hút FDI. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, các FTA góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại, qua đó tạo điều kiện thu hút FDI từ các đối tác. Với 12 FTA đã ký kết trong đó có 10 FTA đã có hiệu lực thực thi và 4 FTA đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam sẽ có quan hệ FTA với gần 100 đối tác tại 5 khu vực thị trường lớn nhất thế giới đó là: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.
Việt Nam sẽ có quan hệ FTA với 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ năm 2000, tuy nhiên đây chưa phải là FTA.
Việc tích cực đàm phán ký kết FTA trong thời gian qua đã giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, qua đó các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam, kèm theo việc mở ra triển vọng hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam và các nhà đầu tư nước. Đến cuối năm 2017, đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu cũng đều là những đối tác thương mại chủ chốt trong FTA đã có hiệu lực, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Thứ hai, mặc dù nội dung cam kết trong các FTA chủ yếu liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường hàng hoá, cắt giảm thuế quan, tuy nhiên vẫn có những điều khoản liên quan trực tiếp đến mở cửa thị trường, dịch vụ, đầu tư và chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này càng được thể hiện rõ trong những FTA được đàm phán, ký kết từ năm 2012 trở lại đây và nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP.
Trong các lĩnh vực đầu tư có cam kết, Việt Nam và các đối tác FTA đều khẳng định áp dụng những nguyên tắc quan trọng như: không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước, không áp dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến nhà đầu tư của bên kia... Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng mở rộng thêm các lĩnh vực cho phép nhà đầu tư của các đối tác FTA được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Những cam kết mở cửa thị thị trường dich vụ và đầu tư rộng hơn dành cho các đối tác cùng với các cam kêm bảo hộ đầu tư, đảm bảo quyền, lợi ích cho các nhà đầu tư đang và sẽ tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư từ các nước đối tác FTA vào Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ ba, các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá thông qua việc dở bỏ rào cản thuế quan và dành cho nhau những ưu đãi về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán không chỉ mở ra những cơ hội đầu tư kinh doanh mới cho doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nhà đầu tư nước ngoài. Trong các FTA thuế quan của các bên hầu hết được cắt giảm về 0 với lộ trình được xác định cụ thể kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Với những cam kết đó, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá có xuất xứ Việt Nam ngày càng tăng lên, do vâyh các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào Việt Nam để tận dụng cơ hội này.
Chúng ta cũng có thể thấy rõ là, những năm qua, khối doanh nghiệp FDI đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc thực thi FTA và đã tận dụng rất tốt những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đó là một trong những lý do khiến hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đến từ khối doanh nghiệp FDI.
Có thể bạn quan tâm
07:58, 23/10/2018
11:25, 20/10/2018
11:01, 18/10/2018
10:57, 18/10/2018
08:24, 18/10/2018
04:01, 18/10/2018
Sức ép cải cách
Song điều quan trọng nhất khiến các FTA giúp Việt Nam có thêm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài lại xuất phá từ tác động của các FTA đối với thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Bản thân việc tham gia các FTA đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, trong đó có nỗ lực cải cách thể chế, và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Không kể một số đối tác trong ASEAN, hầu hết đối tác FTA của Việt Nam đều có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia đàm phán FTA có nghĩa là chúng ta đã chấp nhận bước vào một sân chơi tương đối sòng phẳng và đầy tính cạnh tranh.
Với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và các đối tác về cơ bản là cân bằng lợi ích, có đi có lại và phù hợp với những quy tắc, thông lệ quốc tế. Chính việc thực thi những cam kết này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách, cơ chế mới để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và nước ngoài.
Thời gian quan, chúng ta đã bổ sung, sửa đổi, ban hành thêm nhiều bộ Luật, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Ngoại thương... theo hướng minh bạch, cởi mở hơn. Bên cạnh đó Chính phủ Việt Nam cũng tích cực đảy manh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mà điển hình là việc thực hiện chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều này đã thể hiện tinh thần tự cải cách, gắn với tiêu chí đánh giá phổ biến được quốc tế công nhận, để chủ động tháo gỡ những rào cản bất hợp lý đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhờ vậy, môi trường kinh doanh ngày một cạnh tranh hơn và được quốc tế công nhận: Việt Nam tăng 9 bậc trong năm 2016 và tăng 14 bậc trong năm 2017, lên thứ 68/190 quốc gia theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Những nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư ngày càng minh bạch, lành mạnh và thông thoáng hơn đã làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế.
Thêm vào đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới trong tương lai gần cũng tạo sức ép và động lực mạnh mẽ để Việt Nam cải cách toàn diện nền kinh tế. Khi tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ phải xoá bỏ gần như 100% các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ.
Hơn thế, Việt Nam sẽ phải cam kết trong những lĩnh vực mới như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ và cả những cam kết gắn với những vấn đề “phi thương mại” như lao động – công đoàn, môi trường. Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện hàng loạt chính sách sau đường biên giới liên quan đến sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật. Việc thực thi những cam kết đó, chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến quá trình cải cách thể chế, chính sách pháp luật trong nước và sẽ tạo hiệu ứng tích cực để các nhà đầu tư từ các nước phát triển yên tâm, tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam.
Có thể khẳng định, việc đàm phán, ký kết và thực hi các FTA đã và sẽ tạo điều kiện cũng như mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút FDI không chỉ từ các đối tác FTA mà còn từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội này còn phụ thuộc vào tình hình và kết quả thực thi các cam kết FTA của Việt Nam trong tương lai.
Để biến các cơ hội thành hiện thực, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi hiệu quả các cam kết, gắn với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp nhận những lợi ích rõ ràng từ việc thu hút FDI như thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ cho người lao động, giúp các ngành và lĩnh vực tham gia sâu hơn và chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng cần xem xét để từng bước khắc phục sự chênh lệnh giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong việc tận dụng các FTA, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Có như vậy, hai quá trình tham gia các FTA và thu hút FDI mới bổ trợ tốt cho nhau và cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.