Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, các FTAs đang mở ra những cơ hội mới cho hàng hóa và dịch vụ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây, vẫn còn trên 70% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để tận dụng các FTAs thế hệ mới.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, xung quanh vấn đề này.
So với các FTAs trước đây, ACFTA 3.0 không chỉ mở rộng phạm vi cắt giảm thuế quan mà còn đi sâu vào nhiều lĩnh vực mới như thương mại số, kinh tế xanh, logistics thông minh, quản trị chuỗi cung ứng, an ninh dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới…
Các FTAs thế hế mới giúp Việt Nam giữ vững vị thế chiến lược giữa hai trục hội nhập Đông - Tây trong trật tự chuỗi cung ứng mới đang hình thành.
Việc thực thi các cam kết về kinh tế số, thương mại điện tử, quản trị chuỗi cung ứng và minh bạch dữ liệu trong các FTAs thế hệ mới, đặc biệt là ACFTA 3.0, sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ sinh thái kinh tế số, logistics xanh và năng lực quản trị tại Việt Nam, tạo nền tảng cho một mô hình tăng trưởng mới.
Trong khi các FTAs thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, thì phần lớn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các SMEs vẫn còn thiếu thông tin, kinh nghiệm hội nhập, năng lực quản trị rủi ro và nguồn lực tài chính để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Ở góc độ bên ngoài, bối cảnh địa chính trị toàn cầu tiếp tục bất ổn, với các cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên sự tin cậy và vấn đề an ninh quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe, đã tạo ra áp lực lớn cho các quốc gia đang phát triển có độ mở kinh tế cao như Việt Nam.
Đặc biệt, logistics nổi lên như một mặt trận cạnh tranh chiến lược mới. Hiện chi phí logistics của Việt Nam vẫn dao động ở mức cao (16-18% GDP), trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia đã xây dựng được hệ sinh thái logistics xanh, thông minh, tích hợp công nghệ số rất mạnh mẽ. Nếu không nhanh chóng nâng cấp hệ thống logistics, Việt Nam rất khó duy trì lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.
Bên cạnh đó là nguy cơ bị đẩy ra ngoài các chuỗi cung ứng khép kín mới. Các chuỗi cung ứng mới trong công nghệ cao, bán dẫn, ô tô điện... đang hình thành các “chuỗi giá trị khép kín” xoay quanh Mỹ, EU, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong những năm qua, đã có những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vingroup, Thaco… hay các tổ hợp sản xuất điện tử đã tích cực tận dụng FTA để mở rộng thị trường, nâng cấp công nghệ và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác các ưu đãi mà FTA mang lại.
Những lợi ích mà FTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, trong khi một phần lớn những lợi ích từ các FTAs lại tập trong vào các doanh nghiệp FDI.
Đa phần doanh nghiệp Việt Nam hiện mới tham gia ở các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp; mức độ tự chủ về công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế còn thấp. Đây là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh nội tại chưa bền vững, rất dễ bị tổn thương khi có thay đổi về chính sách thương mại của các nước đối tác.
Để tận dụng hiệu quả hơn nữa các FTA thế hệ mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trên cả bốn trụ cột chiến lược.
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu chính sách, cập nhật chuẩn mực quốc tế, phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, đơn vị xúc tiến thương mại và cơ quan quản lý Nhà nước để được hướng dẫn kịp thời khi thông tin thị trường thay đổi.
Thứ hai, việc đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa là cần thiết để giảm nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, bị mắc lỗi về quy tắc xuất xứ và tận dụng ưu đãi FTA tốt hơn; đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư công nghệ sạch, và nghiên cứu phát triển (R&D).
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh ứng dụng logistics số, blockchain truy xuất nguồn gốc, tối ưu hóa quản trị kho vận, vận tải đa phương thức và phát triển các trung tâm logistics liên vùng để rút ngắn thời gian giao hàng, tăng độ tin cậy trong thực hiện đơn hàng xuất khẩu.
Thứ tư, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng bị "vũ khí hóa", doanh nghiệp cần xây dựng năng lực đánh giá và ứng phó với rủi ro địa chính trị, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc quá mức vào một vài điểm trung chuyển lớn, và chuẩn bị các phương án ứng phó linh hoạt khi có gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, chi phí logistics tăng đột biến hay rào cản thương mại mới phát sinh.
- Trân trọng cảm ơn bà!