Kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) đã mang lại nhiều ưu đãi về hoạt động giao thương hàng hoá, dịch vụ và đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng.
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hai hiệp định này không mang tính thay thế mà bổ sung cho nhau, vì vậy doanh nghiệp có thể tuỳ biến lựa chọn theo từng hoạt động giao thương mà lựa chọn FTA có lợi hơn.
Bảo hộ thương mại vẫn hiện hữu
Tính đến nay, Hiệp định VKFTA có hiệu lực được hơn 2 năm kể từ tháng 12/2015. Theo đó, Hàn Quốc cam kết cắt giảm 95,4% dòng thuế, đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 90% dòng thuế quan. Sau gần 2 năm, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng tăng trưởng đều. Tổng kim ngạch song phương Việt Nam – Hàn Quốc năm 2015 đạt 37,5 tỷ USD, năm 2016 đạt 45,1 tỷ USD và năm 2017 đạt 58,5 tỷ USD tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng rất nhanh. Dự kiến đến năm 2020, kim ngạch thương mại 2 nước sẽ đạt mức 100 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này vẫn khó khăn do Hàn Quốc siết chặt hơn rào cản kỹ thuật.
Chia sẻ cụ thể về một trong những khó khăn doanh nghiệp Việt Nam gặp phải bởi chính sách bảo hộ thương mại của Hàn Quốc, ông Phạm Công Thạch - Giám đốc Công ty cổ phần phân phối Hapro cho biết: Hapro rất muốn đưa các mặt hàng như tỏi bóc, cà rốt sang Hàn Quốc nhưng trong năm qua lại không xuất khẩu được sang thị trường này. Những năm trước xuất khẩu rất tốt nhưng năm vừa rồi, Hàn Quốc đã đưa ra một số rào cản gây khó nhập vào. Thực tế họ vẫn bảo hộ sản phẩm của Hàn Quốc nhiều hơn.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp có hoạt động giao thương tại thị trường này cho biết, mặc dù được hưởng ưu đã thuế quan nhưng hàng nông sản Việt Nam luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Điều này khiến các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc thường chỉ với số lượng hạn chế và tập trung vào những mặt hàng như thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo. Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp thì phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp.
Tận dụng tối đa lợi thế FTA mang lại
Vì vậy, nhằm mang đến những thông tin rõ ràng và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi thế mà hai hiệp định FTA này mang lại, mới đây, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện VKFTA và AKFTA giai đoạn 2018 – 2020.
Một là, Nghị định số 149/2017/NĐ-CP quy định cụ thể suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện thuế suất và điều kiện được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo VKFTA. Cụ thể, Nghị định nêu rõ hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất VKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện như thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu KV, theo quy định hiện hành của pháp luật.
Hai là, Nghị định 157/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện và điều kiện được hưởng ưu đãi trong khuôn khổ AKFT giai đoạn 2018 – 2020. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AKFTA phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc, bao gồm các nước thành viên như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt.
Ngoài ra, theo đó hàng hoá nhập khẩu được áp dụng thuế AKFTA phải được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu trên vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AK, theo quy định hiện hành của pháp luật. Cả hai Nghị định này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Hai Nghị định được kỳ vọng sẽ là những “cây gậy” quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt hơn những lợi thế từ VKFTA mang lại.