Mục tiêu bám đuổi của xuất khẩu gạo
Ưu tiên xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị lớn, thông qua đấu thầu thương mại quốc tế, chính ngạch,... là xu hướng mới trong xuất khẩu gạo.
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,25 triệu tấn, tương đương 2,64 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng và tăng 15,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu trung bình trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt 503,9 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc mặc dù giảm rất mạnh 39,2% về lượng và giảm 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 24% thị phần. Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2018 đạt 1,24 triệu tấn, thu về 636,15 triệu USD. Giá xuất khẩu đạt trung bình 514,5 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10/2018 xuất sang thị trường này đạt 110.118 tấn, tương đương 55,6 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% về lượng nhưng tăng 9% về kim ngạch so với tháng 9/2018.
Indonesia – thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 770.968 tấn, tương đương 361,91 triệu USD, tăng đột biến gấp 49,3 lần về lượng và gấp 65,8 lần về kim ngạch. Giá xuất khẩu đạt trung bình 469,4 USD/tấn, tăng 33,5%.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Philipines cũng tăng mạnh 38,7% về lượng và tăng 58,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 688.427 tấn, trị giá 312,6 triệu USD, chiếm 13,1% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu tăng 14,3%, đạt 454 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Malaysia đạt 461.194 tấn, trị giá 208,45 triệu USD, chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, tăng 1,5% về lượng và tăng 17,2% về kim ngạch. Giá xuất khẩu tăng 15,5%, đạt 452 USD/tấn.
Trong số các thị trường xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm nay thì có 50% số thị trường tăng kim ngạch và 50% số thị trường sụt giảm; trong đó ngoài thị trường Indonesia tăng đột biến như trên, thì còn một số thị trường cũng đạt mức tăng mạnh như: Ba Lan tăng 445% về lượng và tăng 523% về kim ngạch, đạt 3.564 tấn, tương đương 2,08 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 276% về lượng và tăng 302% về kim ngạch, đạt 4.723 tấn, tương đương 2,72 triệu USD; Pháp tăng 286% về lượng và tăng 206% về kim ngạch, đạt 818 tấn, tương đương 603.816 USD; Iraq tăng 145% về lượng và tăng 165% về kim ngạch, đạt 240.000 tấn, tương đương 136,26 triệu USD.
Cần có chiến lược riêng cho hạt gạo
Thị trường xuất khẩu gạo thế giới thời gian gần đây có xu hướng ưu tiên thực hiện thông qua đấu thầu quốc tế các hợp đồng thương mại và coi trọng chất lượng. Ðồng thời, không ít hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, ngày càng đa dạng, ngặt nghèo hơn và mỗi thị trường có những tiêu chí riêng.
Có thể bạn quan tâm
Cách nào hóa giải khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?
01:18, 06/11/2018
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải bơi ra khỏi "bể cá cảnh"
08:30, 02/11/2018
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Tự làm hại nhau bằng phá giá thị trường!
11:00, 12/10/2018
"Rộng cửa" cho xuất khẩu gạo
11:46, 21/09/2018
Xuất khẩu gạo nếp lại "đóng băng"
05:06, 01/09/2018
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam cũng đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch và kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt (từ 1-4-2018, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đã yêu cầu về chất lượng, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu).
Theo TS Nguyễn Minh Phong, thách thức lớn đối với DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do hệ thống pháp luật của không ít quốc gia đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, cả cấp liên bang và mỗi tiểu bang với những quy định, luật định khác nhau, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, thường ít kinh nghiệm đối phó các vụ kiện thương mại và rào cản kỹ thuật quốc tế. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như cải tiến và khắc phục thiếu sót, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, cũng như định hướng thị trường trọng điểm một cách cụ thể hơn.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp để xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam; đồng thời, tăng cường liên kết, phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp bản địa để có thể nâng cao giá trị cho hàng hóa cũng như đáp ứng được các "hàng rào" tiêu chuẩn kỹ thuật.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược riêng dành cho ngành lúa gạo. Vì thế, cần khắc phục câu chuyện còn dang dở đó là xây dựng giá trị, thương hiệu cho hạt gạo Việt. Vấn đề cụ thể ở đây theo các chuyên gia chính là sản phẩm gạo hàng hóa chưa thực sự kết nối được doanh nghiệp với nhà nông. Các sản phẩm lúa gạo được đưa ra thị trường chủ yếu vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm”, chưa theo một chuỗi sản xuất khép kín.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nếu tạo được sự liên kết và xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn như chủ trương của nhà nước, chắc chắn giá trị xuất khẩu gạo sẽ không chỉ dừng ở con số 3 tỷ USD mỗi năm, mà phải cao hơn nhiều lần.
Theo ông Bình, vấn đề về vốn chính là rào cản để các doanh nghiệp tham gia vào mục tiêu liên kết với người nông dân tạo nên sản phẩm gạo hàng hóa. “Khi giải được bài toán vốn, doanh nghiệp và người dân sẽ xây dựng được những chuỗi sản xuất khép kín, sản phẩm gạo sẽ đồng đều về chất lượng, đảm bảo các quy chuẩn của các nước nhập khẩu. Khi đó xuất khẩu gạo mới thực sự bền vững”, ông Bình nêu quan điểm.