Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Nghị định 107/2018/NĐ-CP sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp trưởng thành hơn, bơi ra khỏi “bể cá cảnh” vốn quen được bảo bọc an toàn để vươn ra biển lớn.
Thống kê của Tổng cục Hải quan đến ngày 15/10 cho thấy, sản lượng xuất khẩu của năm 2018 đã đạt 5 triệu tấn, tăng 4% về số lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chính của gạo Việt Nam vẫn là các nước châu Á (67,9%), châu Phi 11,7%, châu Mỹ 8%, Trung Đông 6,3%,…
“Tranh mua tranh bán là lẽ tự nhiên”
Mới đây, Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã được đánh giá là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo đó, các doanh nghiệp không phải đầu tư sở hữu kho chứa, máy xay xát như trước đây mà có thể đi thuê, doanh nghiệp không phải đăng ký xuất khẩu gạo qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam, không còn giá sàn xuất khẩu gạo,…
Trước ý kiến cho rằng thời gian đầu áp dụng Nghị định, thị trường xuất khẩu gạo có thể "loạn" vì không được kiểm soát chặt chẽ như trước, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, hoạt động tranh mua tranh bán là lẽ tự nhiên của kinh tế thị trường. Trật tự mới theo kinh tế thị trường sẽ hình thành thay cho trật tự trước đây là theo mệnh lệnh hành chính. Doanh nghiệp nào làm ăn có uy tín sẽ tồn tại, còn chụp giật sẽ bị đào thải.
"Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn "ấm ức" vì đã đầu tư rất nhiều để đáp ứng điều kiện để được cấp phép xuất khẩu gạo nay phải cạnh tranh với các doanh nghiệp không cần đầu tư, chỉ đi thuê theo quy định mới. Nhưng tôi cho rằng, việc đầu tư của doanh nghiệp sẽ không lãng phí mà họ sẽ hưởng lợi về sau vì đây là cách doanh nghiệp chứng minh với đối tác về năng lực, khả năng kiểm soát chất lượng", Thứ trưởng Khánh trấn an.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích, trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được tạo điều kiện kinh doanh trong môi trường ổn định của bể cá, các thông số đều được kiểm soát nên rất an toàn.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 31/10/2018
11:00, 12/10/2018
“Đã đến lúc họ phải tự bơi ra sông hồ, biển lớn như các doanh nghiệp ở những ngành hàng nông sản khác như: cà phê, tiêu, điều,… Những ngành hàng này doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh quốc tế mà còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên sân nhà", ông Khánh nhấn mạnh.
Hiện cả nước có hơn 140 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó, 3 doanh nghiệp được cấp sau khi Nghị định 107/2018 có hiệu lực vào ngày 1/10 vừa qua.
Nhận định về các thị trường xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định, các thị trường nhập khẩu đang dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật.
“Trước đây gạo xuất khẩu đi Mỹ rất thuận lợi nhưng bây giờ họ dựng lên rào cản kỹ thuật về vấn đề an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thị trường Trung Quốc cũng dựng lên rào cản kỹ thuật đối với hạt gạo của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản lâu nay nổi tiếng về rào cản kỹ thuật, Hàn Quốc, EU... cũng vậy”, ông Nam cho biết.
Theo Chủ tịch VFA, nhìn chung, các nước nhập khẩu gạo chất lượng cao đều đưa ra rào cản kỹ thuật và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, do vậy, khi đưa sản phẩm vào nước họ chúng ta bắt buộc phải chấp nhận các quy định này.
“Từng nước nhập khẩu có những thay đổi về chính sách nhập khẩu gạo nhưng các doanh nghiệp trong nước không thể nắm bắt kịp thời, vì vậy, chúng tôi có báo cáo với Bộ NN&PTNT, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách thông qua các tham tán thương mại ở các quốc gia đó, khi họ có thay đổi chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, cập nhật thông tin báo về cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp sẽ triển khai xuống các hộ nông dân để phát triển và nâng cao giá trị hạt lúa”, ông Nam kiến nghị.
Đặc biệt, theo Chủ tịch VFA, vấn đề của hạt gạo hiện nay là cần xem xét lại nên sản xuất giống lúa nào, sản phẩm nào mang về lợi nhuận cao hơn chứ không phải cứ sản xuất bất kỳ loại nào, chỉ nên tăng cường sản xuất loại nào thị trường có lợi thế.