Doanh nghiệp cho rằng cần ban hành lộ trình áp dụng phần mềm rõ ràng, có thời gian thử nghiệm tối thiểu 3-6 tháng và có cơ chế hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn kỹ thuật.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 18/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 397 USD/tấn, cao hơn so với mức giá của Ấn Độ và Pakistan. Ở phân khúc cao cấp, gạo OM5451 và OM18 đang được giao dịch với giá từ 500 - 530 USD/tấn. Đặc biệt, các dòng gạo đặc sản như ST25 hay gạo hữu cơ tiếp tục giữ mức giá cao, dao động từ 800 - 200 USD/tấn. Như vậy, giá bình quân gạo xuất khẩu Việt Nam hiện duy trì trên 500 USD/tấn, quy đổi giá khoảng 12.000 đồng/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, đà phục hồi giá gạo hiện nay phần lớn xuất phát từ yếu tố cung cầu. Vụ Đông Xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm đã bước vào giai đoạn cuối, lượng lúa còn lại trên đồng chỉ khoảng 10 %. Trong khi đó, vụ Hè Thu dự kiến đến tháng 7 - 8 mới bắt đầu thu hoạch, khiến nguồn cung trong ngắn hạn tương đối hạn chế.
Song song với đó, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như: Philippines, Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn tạm ngưng giao dịch để theo dõi biến động giá. Hiện nay, nhu cầu mua gạo không hề giảm, chỉ là người mua đang chờ mức giá hợp lý và phản ứng từ các nước xuất khẩu lớn.
“Mặc dù giá gạo xuất khẩu hiện tại đang ở mức có lợi nhuận cho doanh nghiệp, nông dân nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vội vàng chốt đơn hàng. Doanh nghiệp đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong phân khúc gạo trung và cao cấp sẽ còn tăng giá trong thời gian tới, khi đó mới tung hàng ra thị trường”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.
Cũng liên quan hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Một trong những điểm mới trong dự thảo lần này là điều chỉnh lại thời gian gửi báo cáo định kỳ. Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo sẽ nộp báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng trước ngày 20 hàng tháng, thay vì các mốc rải rác như hiện nay. Cùng với đó, thương nhân xuất khẩu gạo sẽ phải báo cáo định kỳ trước ngày 5 hàng tháng về lượng thóc, gạo tồn kho, phân theo từng chủng loại và phẩm cấp (gạo trắng, gạo thơm, nếp...). Dữ liệu được gửi đồng thời đến Bộ Công Thương, Sở Công Thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam.
Doanh nghiệp cũng sẽ phải thực hiện báo cáo tồn kho trên phần mềm điện tử do Bộ Công Thương phát triển. Trong giai đoạn chuyển tiếp (từ 1/1/2025 đến khi phần mềm vận hành chính thức), doanh nghiệp vẫn phải cập nhật dữ liệu và có thể gửi báo cáo tạm thời qua email (nếu hệ thống lỗi).
Được biết, Dự thảo Thông tư mới cũng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu xây dựng phần mềm báo cáo riêng cho ngành hàng gạo. Phần mềm này không chỉ phục vụ công tác quản lý mà còn là bước đệm cho việc số hóa ngành xuất khẩu nông sản, một định hướng lâu dài của Bộ Công Thương.
Dù đồng tình nhưng một số doanh nghiệp bày tỏ lo ngại phát sinh thủ tục khi phải báo cáo theo hai mốc thời gian trong tháng với nội dung khác nhau. Nói như ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, với doanh nghiệp có nhiều kho ở nhiều tỉnh, việc tổng hợp dữ liệu tồn kho từng loại gạo theo đúng mẫu, đúng hạn là một áp lực không nhỏ. Đặc biệt, doanh nghiệp lo ngại nếu không có cơ chế bảo mật tốt, dữ liệu về hợp đồng, giá bán, khách hàng có thể bị lộ, gây bất lợi cho doanh nghiệp khi đàm phán hoặc cạnh tranh trên thị trường.
"Bộ Công Thương cần ban hành lộ trình áp dụng phần mềm rõ ràng, trong đó có thời gian thử nghiệm tối thiểu 3-6 tháng, có đánh giá độc lập về hiệu quả, trước khi buộc tất cả doanh nghiệp phải thực hiện, đồng thời, cần có cơ chế miễn, giảm tạm thời nghĩa vụ báo cáo điện tử đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc gặp khó khăn kỹ thuật trong giai đoạn đầu, đặc biệt là quy trách nhiệm rõ ràng của cơ quan, đơn vị trong việc bảo mật thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp", ông Đôn bày tỏ.