Doanh nghiệp

Giá tiếp tục giảm, xuất khẩu gạo năm 2025 gặp khó

Thy Hằng 08/02/2025 02:45

Giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 1/2025 đạt 500 nghìn tấn và 308 triệu USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

8394-1738655718_1200x0.jpg
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cập nhật giá gạo 5% tấm của Việt Nam mới nhất ngày 6/2 đứng ở mức 399 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 25% đứng ở mức 371 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 100% tấm đứng ở mức 313 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó.

Với mức giá hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất thế giới. Cụ thể, với gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang đứng ở mức 433 USD/tấn (cao hơn 34 USD/tấn so với gạo Việt Nam); gạo 25% tấm đứng ở mức 411 USD/tấn (cao hơn 40 USD/tấn so với gạo Việt Nam) và gạo 100% tấm đứng ở mức 377 USD/tấn (cao hơn 64 USD/tấn so với gạo Việt Nam).

Với giá gạo Ấn Độ, gạo 5% xuất khẩu hiện cũng đang đứng ở mức 413 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 394 USD/tấn. Gạo Pakistan 5% tấm xuất khẩu đứng ở mức 404 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 377 USD/tấn và gạo 100% tấm đứng ở mức 340 USD/tấn.

Như vậy, từ mức đỉnh cao vào giữa tháng 8/2023 với con số 700 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008 (trong vòng 15 năm), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. So với mức giá hiện tại vào ngày 6/2 là 399 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 301 USD/tấn, tương ứng với mức giảm khoảng 43%.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm giá này là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm tạm đóng cửa, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và tạo áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu khác, bao gồm Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia đang chững lại, do các nước này đã tích lũy đủ lượng gạo dự trữ trong năm 2024 và hiện đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua.

“Giá gạo xuất khẩu bình quân trước đây lên tới 623 USD/tấn thì nay chỉ còn 441 USD/tấn, giá gạo giảm là do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, cùng với đó là một số quốc gia đã tự túc được một phần lương thực”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Bản sao gao-viet-xuat-khau-16597915916011338331181-crop-1667376063197183484771
Hiện cả nước có 158 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hiện, theo danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 6/2/2025 của Bộ Công Thương công bố, cả nước có 158 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho hay, giá gạo xuất khẩu giảm sâu là do đang gặp áp lực đầu ra khi nhiều doanh nghiệp còn tồn kho và năm nay vụ chính thu hoạch sớm, được mùa. Trong khi đó, về phía nhập khẩu 2 thị trường lớn nhất là Philippines và Indonesia cũng còn tồn kho năm cũ nên chưa mua vội và họ biết Việt Nam vào vụ mới, nguồn cung dồi dào nên chờ để có giá tốt hơn nữa.

Mặc dù sụt giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, đơn giá gạo xuất khẩu gạo trong thời gian này vẫn cao nhờ các hợp đồng cũ và có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn. Mặt bằng giá mới sẽ phản ánh trong báo cáo tháng 2 và doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sớm hồi phục.

Để khắc phục tình trạng hiện tại, các chuyên gia cho rằng, đa dạng hóa thị trường là vấn đề cần được đặt ra. Theo đó, cùng với thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lưu ý, so với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, chúng ta vẫn còn thiếu một chiến lược xây dựng thương hiệu gạo bài bản, bao gồm các hoạt động quảng bá, bảo hộ thương hiệu và phát triển sản phẩm.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, lúa gạo sẽ là mặt hàng chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam bài bản, chứng minh chất lượng và đáp ứng nhu cầu các thị trường khác nhau”, ông Phạm Thái Bình đề xuất.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 30/2018/TT-BCT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá tiếp tục giảm, xuất khẩu gạo năm 2025 gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO