Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng đột biến, nhưng nhiều doanh nghiệp đầu ngành gạo vẫn chưa thể qua được “cơn bĩ cực”
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,05 triệu tấn, tổng trị giá đạt 5,05 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tăng 9,16% về khối lượng và tăng 21,49% về kim ngạch. Xuất khẩu gạo tăng trưởng ấn tượng là nhờ giá gạo xuất khẩu đạt mức cao ngay từ đầu năm, giá bình quân 626 USD/tấn, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường xuất khẩu, Philippines hiện đang là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024, chiếm 46,93% trong tổng lượng và chiếm 46,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này đã đạt gần 3,64 triệu tấn, tương đương gần 2,24 tỷ USD, tăng 38,38% về lượng, tăng 59,14% về kim ngạch và tăng 15% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lớn xếp ở vị trí thứ 2 thuộc về Indonesia với gần 1,09 triệu tấn, tăng 20,24% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 655,21 triệu USD, chiếm 14,02% trong tổng lượng và chiếm 13,48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Malaysia đứng vị trí thứ 3 với 674.735 tấn, tương đương 399,88 triệu USD, chiếm 8,7% trong tổng lượng và chiếm 8,22% trong tổng kim ngạch.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo thế giới đang tăng trở lại và gạo Việt Nam vẫn duy trì mức cao nhất thế giới. Từ cuối tháng 10, sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, khiến giá gạo trên thị trường quốc tế đồng loạt giảm mạnh.
Theo đánh giá, nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia... duy trì ở mức cao. Đây là những yếu tố hỗ trợ sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tăng khá. Tuy nhiên, việc Ấn Độ quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm.
Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng trưởng ấn tượng, nhiều doanh nghiệp đầu ngành gạo lại vẫn chưa thể thoát khỏi vòng xoáy kinh doanh thua lỗ, khi tiếp tục nối dài chuỗi ngày u ám. Không những vậy, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng đang nằm đáy, khi chỉ có giá vài nghìn đồng một cổ phiếu.
Cụ thể, trong quý III, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UpCOM: TAR) ghi nhận gần 730 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 24,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 22 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt gần 3.909 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 30,5 tỷ đồng.
Không những kết quả kinh doanh ảm đạm, giá cổ phiếu TAR trên thị trường chứng khoán cũng rơi xuống vùng đáy khi chỉ đang giao dịch quanh vùng giá 4.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cổ phiếu gần như bằng 0. Ở thời đỉnh cao, thị giá cổ phiếu TAR có thời điểm đã lên đến hơn 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2023, cổ phiếu này liên tục lao dốc. So với thị giá hồi đầu năm, cổ phiếu này cũng đã giảm 50%, còn nếu so với thời đỉnh cao thì thị giá cổ phiếu đã giảm gần 90%.
Tương tự, tại Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM), từng là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam. Thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp này từng đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng (năm 2021). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bắt đầu lao dốc từ năm 2022 khi lỗ ròng hơn 234 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 207 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ khi trong quý III, doanh thu của AGM tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống chỉ còn 59 tỷ đồng, tương đương với sụt giảm gần 74% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục lỗ thêm hơn 13 tỷ đồng, qua đó, nâng lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 lên hơn 111 tỷ đồng; Lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2024 là 277 tỷ đồng.
Cũng chung cảnh ngộ như TAR, thị giá cổ phiếu AGM cũng “bốc hơi” 45% so với hồi đầu năm, và hiện chỉ đang giao dịch ở vùng giá hơn 3.000 đồng/cổ phiếu. Ở thời đỉnh cao vào đầu năm 2022, thị giá của AGM đã từng thiết lập ở mức giá hơn 62.000 đồng/cổ phiếu. nếu so với mức giá này, thì thị giá hiện nay chỉ bằng 5% thị giá thời đỉnh cao.
Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG) đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ mới công bố Báo cáo tài chính quý I/2024, với kết quả lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn chưa công bố BCTC quý II, BCTC bán niên đã kiểm toán và BCTC quý III/2024. Việc chậm công bố BCTC này cũng đã khiến cổ phiếu LTG bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần trên sàn UpCOM.
Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp đầu ngành lúa gạo này là những lùm xùm xung quanh công tác quản trị của doanh nghiệp này thời gian gần đây. Việc nguyên Tổng Giám đốc LTG Nguyễn Duy Thuận bị chính doanh nghiệp cáo buộc có hành vi gian dối gây thất thoát tài sản của công ty, cùng với đó là chuỗi ngày liên tiếp có những biến động về nhân sự cấp cao, khi hàng loạt các vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp được thay thế.
Chính sự lùm xùm trong quản trị cộng với tình hình kinh doanh ảm đạm cũng đã khiến thị giá cổ phiếu LTG bị sụt giảm mạnh từ vùng giá gần 27.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, xuống vùng đáy 7.800 đồng/cổ phiếu hiện nay, tương đương với mức sụt giảm hơn 71%. Điều này cũng có nghĩa, nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu này hồi đầu năm, đến nay đã bị “bốc hơi” hơn 70% vốn.
Tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (UpCOM: VSF), mặc dù không thua lỗ, nhưng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, trong quý III/2024, doanh thu của VSF sụt giảm hơn 28,4% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 5.264 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh gần 69% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn gần 7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp này sụt giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 16.514 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân sụt giảm mạnh lợi nhuận quý III/2023 là do tình hình xuất khẩu gạo có nhiều biến động và tỷ giá đồng USD giảm mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty con.
Tương tự như các doanh nghiệp khác, thị giá cổ phiếu VSF mặc dù cao hơn nhiều, nhưng vẫn không thoát khỏi sự sụt giảm, với mức giảm gần 34,4% so với thị giá hồi đầu năm.