Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng và thu hẹp dần sự chênh lệch về giá xuất khẩu với các nước khác trong khu vực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 400 USD/tấn, tăng so với mức 394 USD/tấn của tuần trước. Thậm chí nhiều dự báo, giá gạo có thể duy trì ở mức này trong vài phiên tới trong bối cảnh nguồn cung dồi dào.
Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, do nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào. Còn giá gạo của Thái Lan vẫn ổn định ở mức "đáy" trong hơn hai năm.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện được chào bán ở mức từ 395 - 401 USD/tấn, giảm so với mức từ 403 - 410 USD/tấn của tuần trước đó. Bên cạnh đó, người mua đang đặt hàng với tốc độ chậm hơn, thậm chí một số còn trì hoãn mua do giá vẫn trong xu hướng giảm. Từ đầu tháng Ba, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu gạo 100% tấm sau khi áp dụng lệnh cấm từ tháng 9/2022.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được bán với giá 405 USD/tấn, bằng với giá của tuần trước nữa. Giá gạo tuần qua không biến động nhiều được lý giải do thị trường trầm lắng, nhu cầu yếu và ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. Sự cạnh tranh gay gắt của gạo Ấn Độ và Việt Nam được nhận định có thể khiến các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan gặp khó khăn trong năm 2025.
Như vậy, sau một thời gian dài chịu tác động của thị trường khiến giá cả lao dốc, giá gạo Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, giá lúa gạo tăng trở lại phần lớn nhờ vào các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ, bao gồm việc cấp vốn ưu đãi và triển khai thu mua dự trữ quốc gia. Ông Nam khẳng định, sự điều phối kịp thời từ Chính phủ và sự phối hợp của các doanh nghiệp đã giúp ngành lúa gạo Việt Nam đứng vững trước áp lực quốc tế.
Việc thay đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng nhu cầu thị trường cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì sức cạnh tranh của gạo Việt Nam. Một số loại gạo, như gạo nếp, đang được tiêu thụ tốt với giá xuất khẩu cao hơn năm trước, từ 570-580 USD/tấn so với mức 480 USD/tấn.
Mặc dù giá tăng nhẹ, nhưng giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra chậm bởi thị trường nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia ít mua vào. Đặc biệt, Philippines - thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm gần đây đang áp dụng nhiều chính sách điều tiết thị trường gạo. Theo đó, quốc gia này quy định giá trần bán lẻ gạo, cấm dán nhãn phân biệt gạo nhập khẩu và gạo nội địa. Song song đó, Philippines cũng đa dạng hoá nguồn cung và đẩy mạnh sản xuất trong nước. Tính đến giữa tháng 3/2025, nhập khẩu gạo của Philippines giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam cũng thay đổi nhiều chính sách mới vào năm nay hướng tới tự cung tự cáp lương thực.
Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh đang có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm, nhằm thúc đẩy thương mại. Theo giới chức nước này, Bangladesh – quốc gia sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhưng động thái mới có thể giúp nước này gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc nhằm đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để thu mua tạm trữ, phục vụ kế hoạch xuất khẩu dài hơi đã góp phần cắt giảm đà rớt giá gạo.
Ở thời điểm hiện tại, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn cung dồi dào. Tính đến hết tháng 2, đã có 605.000ha lúa được thu hoạch, với sản lượng đạt 4,17 triệu tấn, vẫn còn khoảng hơn một nửa sản lượng đang chờ thu hoạch. Nguồn vốn lúc này có vai trò quan trọng, để đảm bảo tiến độ thu mua lúa gạo.
Cùng với đó, Lãnh đạo VFA nhận định, thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng về xuất khẩu gạo, với gạo ST25 của Việt Nam, khách hàng Trung Quốc đang có nhu cầu mua rất cao với giá lên tới 780-790 USD/tấn. Dù giá cao như vậy, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó đáp ứng được vì sản lượng hiện còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo dự báo mới nhất, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2025 cũng không có nhiều thay đổi so với dự báo trước đó, đạt khoảng 58,5 triệu tấn, giảm 1,44 triệu tấn so với năm 2024. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến tăng mạnh trở lại, tuy nhiên các nước khác như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan sẽ đồng loạt giảm.