Doanh nghiệp

Giải pháp nào cho giá gạo “được mùa, mất giá”?

Hằng Thy 07/03/2025 18:09

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra nhiều giải pháp và biện pháp hỗ trợ nông dân ĐBSCL trước tình hình thị trường lúa gạo biến động và giá lúa gạo sụt giảm mạnh.

Ngày 7/3, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị về sản xuất, thị trường lúa gạo và ứng phó với hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường lúa gạo toàn cầu trong những tháng đầu năm 2025 đang diễn biến phức tạp. Trong khi nguồn cung tăng cao, nhu cầu nhập khẩu lại suy giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

giaogao.jpg
Giá lúa gạo đầu năm nay đang chịu nhiều áp lực do tình hình thị trường thế giới biến động. Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Tính đến cuối tháng 2/2025, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 605.000 ha lúa, sản lượng đạt hơn 4 triệu tấn. Diện tích còn lại khoảng 900.000 ha, dự kiến sẽ thu về khoảng 6,5 triệu tấn lúa. Nhờ áp dụng giống chất lượng cao và kỹ thuật canh tác tiên tiến, tổng sản lượng lúa không có nhiều biến động so với các năm trước.

Tuy nhiên, giá lúa gạo đầu năm nay đang chịu nhiều áp lực do tình hình thị trường thế giới biến động. Đầu tháng 3, giá lúa IR50404 tươi dao động từ 5.500 - 5.700 đồng/kg, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lúa OM18 tươi cũng ghi nhận mức giảm mạnh, khoảng 10%, chỉ còn 6.300 - 6.600 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu trung bình giảm xuống còn 553,6 USD/tấn, thấp hơn 18,3% so với năm 2024.

Theo đánh giá tại hội nghị, nguyên nhân chính khiến giá gạo sụt giảm là do nguồn cung toàn cầu tăng mạnh, trong khi nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Đặc biệt, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và quay trở lại thị trường với sản lượng dồi dào, tạo sức ép lớn lên giá gạo thế giới.

Trong bối cảnh đó, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Philippines, Bờ Biển Ngà và Ghana vẫn duy trì nhập khẩu, nhưng sức mua đã giảm đáng kể. Điều này khiến giá gạo Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lên nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh khó khăn về thị trường, ĐBSCL còn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô năm 2025. Mặc dù chưa nghiêm trọng bằng các năm đỉnh điểm, nhưng độ mặn tại các cửa sông chính đều cao hơn mức trung bình nhiều năm. Dự báo, trong tháng 3 - 4, xâm nhập mặn có thể tiếp tục gia tăng nếu không có mưa trái mùa, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước cục bộ. Trước tình hình này, các địa phương được khuyến cáo không chủ quan và cần chủ động các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, khẳng định rằng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, ngành lúa gạo Việt Nam luôn giữ vững vị thế hàng đầu thế giới. Hiện nay, chất lượng gạo Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào, đồng thời sở hữu những đặc điểm riêng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường quốc tế. Do đó, theo ông Bình, những biến động về nguồn cung trên thế giới, bao gồm việc một số nước xả kho dự trữ, không gây ảnh hưởng lớn đến gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, bài toán "được mùa mất giá" vẫn là thách thức lớn đối với nông dân và ngành nông nghiệp. Để giải quyết triệt để vấn đề này, ông Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Đặc biệt, vụ lúa đông xuân luôn đạt chất lượng và sản lượng cao nhất trong năm. Nếu đề án sớm đi vào thực tế và doanh nghiệp có đủ kho trữ lúa đông xuân, bài toán cung cầu sẽ được giải quyết một cách bền vững, mà không cần đến các chính sách thu mua tạm trữ như trước đây.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng dù đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, hơn 80% sản lượng gạo hiện nay thuộc phân khúc chất lượng cao, khẳng định uy tín và giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để tăng cường năng lực quản lý và điều tiết thị trường lúa gạo một cách hiệu quả, Phó Thủ tướng đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện. Hệ thống này sẽ tích hợp thông tin từ nhiều khâu, bao gồm sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, bảo quản, thị trường và dự báo. Việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc ra quyết định, nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung các tiêu chí nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Các tiêu chí này bao gồm năng lực liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và năng lực tài chính, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp tham gia thị trường có đủ điều kiện để duy trì chất lượng và tính ổn định trong xuất khẩu.

Đây được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam, tăng tính chuyên nghiệp trong chuỗi cung ứng và giúp ngành lúa gạo phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chiến lược ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu gạo Việt Nam tại thị trường quốc tế. Giải pháp này nhằm bảo vệ uy tín, nâng cao giá trị thương hiệu và khẳng định vị thế của gạo Việt trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát diện tích đất nông nghiệp, tập trung phát triển các vùng có năng suất cao và khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ông đề xuất điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, giảm từ ba vụ xuống còn một hoặc hai vụ, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng hạt gạo thay vì chạy theo sản lượng.

Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cập nhật dự báo dài hạn về hạn hán, xây dựng giải pháp chủ động, đặc biệt trong quản lý thời vụ và lựa chọn giống cây trồng thích ứng với điều kiện môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp nào cho giá gạo “được mùa, mất giá”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO