Doanh nghiệp

Giá gạo Việt Nam lao dốc: Làm gì để lấy lại vị thế?

Hằng Thy 15/02/2025 07:24

Sau thời gian dài tăng cao, giá gạo xuất khẩu Việt Nam chạm đáy sau nhiều năm, gây lo ngại cho doanh nghiệp và nông dân trước vụ Đông - Xuân.

Theo cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tiếp tục lao dốc kể từ tháng 12/2024. Ngày 12/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 397 USD/tấn, thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (425 USD/tấn), Ấn Độ (413 USD/tấn) và Pakistan (402 USD/tấn).

Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 372 USD/tấn, ngang bằng với Pakistan nhưng thấp hơn Thái Lan 34 USD/tấn và Ấn Độ 22 USD/tấn.

Như vậy, so với mức đỉnh 700 USD/tấn vào giữa tháng 8/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong ba năm qua.

xuatkhaugao.jpg
Sự sụt giảm giá gạo không phải là điều bất ngờ mà đã được dự báo từ cuối năm 2024.

Giá gạo giảm sâu

Việc giá gạo Việt Nam sụt giảm mạnh kể từ cuối năm 2024 đến nay đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu. Theo bà Phan Mai Hương, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, nguyên nhân chính khiến giá gạo tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu 2024 là do Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – tạm dừng xuất khẩu. Khi nước này quay lại thị trường vào tháng 9/2024, nguồn cung toàn cầu trở nên dồi dào, kéo giá gạo thế giới xuống thấp.

Thực tế, sự sụt giảm giá gạo không phải là điều bất ngờ mà đã được dự báo từ cuối năm 2024. Sau thời gian dài ngừng xuất khẩu, Ấn Độ đã xả kho với mức giá cạnh tranh, tạo áp lực lên thị trường chung. Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo ở các nước khác cũng thuận lợi, dự kiến sản lượng năm 2025 sẽ tăng so với năm trước.

Điều này dẫn đến tâm lý "găm hàng" của các nhà nhập khẩu. Khi nguồn cung được đảm bảo, họ không vội vàng ký hợp đồng mua gạo mà chờ đợi giá tiếp tục giảm sâu. Hành động này có thể gây ra những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các nước có giá gạo cao hơn so với Ấn Độ.

Mặc dù giá gạo Việt Nam hiện nay đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng theo bà Phan Mai Hương, mức giá này không quá thấp trong bối cảnh mới. Thách thức đặt ra cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam lúc này là làm thế nào để duy trì lợi thế cạnh tranh, vừa đảm bảo đầu ra ổn định, vừa không bị cuốn vào cuộc đua giảm giá với các đối thủ mạnh như Ấn Độ hay Pakistan.

Trong thời gian tới, nếu các nước nhập khẩu tiếp tục chờ đợi mức giá thấp hơn, áp lực lên thị trường gạo xuất khẩu sẽ càng lớn. Khi đó, việc tìm kiếm những thị trường ngách, đẩy mạnh chế biến sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm có thể là hướng đi giúp Việt Nam duy trì vị thế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo năm 2025 có nhiều biến động khi nhu cầu từ một số quốc gia nhập khẩu lớn có xu hướng chững lại. Điển hình như Indonesia – sau một năm 2024 tích cực thu mua, kho dự trữ gạo của nước này đã đạt mức cao, khiến nhu cầu nhập khẩu trong năm nay được dự báo sẽ giảm đáng kể.

Đáng chú ý, Philippines – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam – đang áp dụng hàng loạt biện pháp kiểm soát nhằm bình ổn giá gạo trong nước. Việc áp giá trần bán lẻ, siết chặt quản lý nhãn mác đối với gạo nhập khẩu có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường này. Đặc biệt, mới đây, Bộ Nông nghiệp Philippines còn ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực đối với mặt hàng gạo, cho thấy nước này đang có những bước đi thận trọng hơn trong việc nhập khẩu gạo thời gian tới.

Những yếu tố trên đặt ngành xuất khẩu gạo Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt hơn, không chỉ với các đối thủ truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, mà còn cả với chính những chính sách thắt chặt từ các thị trường nhập khẩu. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh thương hiệu gạo chất lượng cao và xây dựng chiến lược xuất khẩu linh hoạt sẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngành lúa gạo Việt Nam vượt qua thách thức.

Theo chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Phan Mai Hương, là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, có thời điểm chiếm hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu, Philippines đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, sự thay đổi trong cơ chế mua bán – từ đấu thầu Chính phủ sang thương mại tư nhân – đã khiến hoạt động nhập khẩu của nước này trở nên nhạy cảm hơn với biến động giá. Khi giá gạo thế giới có xu hướng giảm, các thương nhân Philippines sẽ thận trọng hơn, hạn chế mua vào để tránh nguy cơ thua lỗ khi giá tiếp tục giảm.

Dù giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang chạm đáy, thế nhưng bà Phan Mai Hương cho rằng đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. Theo nhận định của bà Hương, nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu vẫn cao và các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Phi đang có dấu hiệu trở lại. Đặc biệt, vụ lúa Đông - Xuân của Việt Nam sắp bước vào thu hoạch rộ – đây là vụ có sản lượng dồi dào và chất lượng tốt nhất trong năm, hứa hẹn thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế.

Như vậy, dù trước mắt xuất khẩu gạo Việt Nam đang chịu sức ép do chính sách kiểm soát giá của Philippines và áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ, nhưng triển vọng trung hạn vẫn tích cực. Khi thị trường ổn định và các nước nhập khẩu bắt đầu vào chu kỳ thu mua mới, giá gạo có thể sớm phục hồi.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chiến lược gì?

Trong bối cảnh giá gạo đang ở mức thấp, nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho thấy sự lạc quan về triển vọng phục hồi của thị trường. Với dự báo các nhà nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ quay trở lại, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam có thể kỳ vọng vào một giai đoạn khởi sắc.

Tuy nhiên, để không rơi vào thế bị động, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng bằng những chiến lược phù hợp.

Thứ nhất, thị trường gạo thế giới đang biến động mạnh, và việc quá phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro lớn. Vì vậy, mở rộng mạng lưới khách hàng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là bước đi quan trọng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế để tiếp cận khách hàng mới. Việc mở rộng thị trường không chỉ giúp giảm rủi ro mà còn gia tăng sức cạnh tranh của gạo Việt trên bản đồ thế giới.

Thứ hai, không chỉ dừng lại ở sản lượng, chất lượng sản phẩm đang trở thành yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam. Các dòng gạo cao cấp như ST25, gạo thơm đang được thị trường quốc tế ưa chuộng, đặc biệt tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đầu tư vào quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn cao là cách để doanh nghiệp tạo dựng uy tín, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thứ ba, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp cần khai thác ưu đãi thuế quan từ EVFTA, CPTPP để gia tăng lợi thế cạnh tranh, giảm sự lệ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc hay Philippines. Việc tận dụng tối đa các cam kết thương mại trong các FTA sẽ giúp gạo Việt tiếp cận thị trường tiềm năng với chi phí thấp hơn.

Thứ tư, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sản xuất nông nghiệp cần đổi mới để thích ứng. Đầu tư vào các giống lúa chất lượng cao, chịu hạn, chịu mặn sẽ giúp nâng cao năng suất và giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cải tiến quy trình chế biến, bảo quản bằng công nghệ hiện đại không chỉ giúp đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu mà còn góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.

Có thể khẳng định, giá gạo giảm sâu trong thời gian gần đây là một diễn biến tất yếu khi nguồn cung toàn cầu dồi dào, nhất là sau khi Ấn Độ quay lại xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn dài hạn, đây không phải là điều quá đáng lo, bởi nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới vẫn rất lớn, đặc biệt với phân khúc gạo chất lượng cao.

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến những đợt ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc hay sự chao đảo của ngành thủy sản khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Việc xuất khẩu dưới dạng thô, mượn thương hiệu nước ngoài thay vì tạo dựng chỗ đứng cho chính mình không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm mà còn khiến chúng ta luôn ở thế bị động.

Và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, câu chuyện về hàng Việt không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là bài toán chiến lược dài hạn. Từ gạo – mặt hàng xuất khẩu chủ lực – đến các loại nông sản khác, Việt Nam cần một hướng đi bài bản để không bị động trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ dừng ở sản xuất mà còn chú trọng đến thương hiệu, công nghệ chế biến sâu và chuỗi cung ứng bền vững.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 có thể đạt 56,3 triệu tấn, tăng 2,3 triệu tấn so với năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung dồi dào có thể tiếp tục gây áp lực lên giá cả trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng lợi thế về chất lượng, chiến lược thị trường và các cơ hội từ FTA, ngành xuất khẩu gạo vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá gạo Việt Nam lao dốc: Làm gì để lấy lại vị thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO