Doanh nhân

Bứt phá từ “hạt gạo số”

Hạnh Lê 01/02/2025 04:59

Với kích thước tương đương với hạt gạo - khoảng 10mm2, vi mạch có thể xem là “hạt gạo” của nền kinh tế số Việt Nam trong kỷ nguyên sắp tới.

Mr Yen
Ông Nguyễn Thanh Yên - thành viên Ban Quản trị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty CoAsia Semi.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Thanh Yên - thành viên Ban Quản trị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty CoAsia Semi nhấn mạnh: “hạt gạo số” có thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển như cách mà những hạt gạo trên đồng ruộng đã từng giúp Việt Nam thoát nghèo thành công trước đó.

- Động lực nào khiến ông đặt niềm tin lớn vào “hạt gạo số” đang được “gieo mầm” mạnh mẽ tại Việt Nam, thưa ông?

Xuân Ất Tỵ 2025 đánh dấu năm thứ 21 tôi gắn bó với vi mạch. Có thể nói, hiện nay chưa ngành nào như vi mạch bán dẫn nhận được quan tâm, ủng hộ lớn của Chính phủ và toàn xã hội khi có Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với những mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.

Nhìn ra thị trường toàn cầu, công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ. Thật khó để tìm ra thiết bị nào mà không có chip trong đó. Đặc biệt, ở sân chơi này, không có một cá nhân, tổ chức, quốc gia nào có thể tự chủ được hết chuỗi sản xuất và cung ứng mà rất cần sự hợp tác nhiều quốc gia trên toàn cầu. Châu Á - khu vực tập trung nhiều công đoạn sản xuất chip, được cho là nơi định hình sự phát triển trong tương lai của bán dẫn.

Trong đó, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt cho phép tối ưu chi phí logistics, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đội ngũ kỹ sư có năng lực. Thực tế, sự có mặt nhiều hơn của các tập đoàn bán dẫn toàn cầu đã minh chứng cho điều này, mở ra cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

7.jpg
Vi mạch bán dẫn được ví như hạt gạo của nền kinh tế số. Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn trong ngành bán dẫn toàn cầu.

- Tuy có nhiều lợi thế nhưng Việt Nam đang tham gia sân chơi chậm hơn trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế. Theo ông, đâu là “keyword” cho sự phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam?

Sân chơi bán dẫn toàn cầu có nhiều “cá mập” nên lựa chọn cách tiếp cận thông minh để tránh đối đầu, cạnh tranh trực tiếp là cần thiết. Là “người chơi” sau, chưa có lợi thế về nền tảng công nghệ hay hệ sinh thái, doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo sự khác biệt trong cạnh tranh từ yếu tố rất quan trọng. Đó là con người Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi một nhà khoa học gốc Việt mới đây đã chỉ ra một trong những thách thức lớn nhất của ngành là nguồn nhân lực, trong khi đây là thế mạnh của Việt Nam.

Quan trọng hơn, từ nguồn vốn con người, Việt Nam có thể tham gia vào khâu thiết kế của ngành công nghiệp này. Thực tế, chúng ta có cơ hội tham gia cả vào khâu kiểm thử và lắp ráp nhưng thiết kế vẫn có ưu tiên nổi trội hơn. So với sản xuất, khâu thiết kế không đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn bằng, rủi ro và đòi hỏi kỹ thuật thấp hơn, thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM như Việt Nam.

Với khoảng 26.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn hiện có đang là “tài sản” có giá trị của các doanh nghiệp thiết kế chip, chủ yếu là các công ty FDI. Các kỹ sư đã tham gia vào nhiều dự án quan trọng; đội ngũ này là lực kéo các doanh nghiệp ở lại, gắn bó với Việt Nam lâu hơn bởi khi dịch chuyển, doanh nghiệp không thể mang theo tất cả kỹ sư và gia đình. Việt Nam có thể thông qua ngành bán dẫn để xây dựng nguồn nhân lực có tiềm năng thu nhập cao, thu hút công ty nước ngoài lập chi nhánh tại địa phương và hỗ trợ các công ty trong nước khởi nghiệp.

- Với các doanh nghiệp trong nước, ông đánh giá ra sao về cơ hội vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ sang Việt Nam?

Với sự quan tâm và ủng hộ lớn của Chính phủ, toàn xã hội, doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội, song tôi thấy rằng, doanh nghiệp Việt thường có tâm lý hướng nội, khi gặp khó khăn, cần phải mạnh dạn, chủ động phản ánh với các cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ vướng mắc. Ngược lại, những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khá tốt nhưng đi vào thực tế lại bất cập, cần sự vào cuộc nhanh chóng kịp thời của các bộ ngành để khắc phục rào cản, mở đường cho sự phát triển.

Hơn nữa, nhìn vào Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nhiều mục tiêu đặt ra khá thách thức như thu hút thêm 50 công ty thiết kế chíp, 1 nhà máy sản xuất, 24.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn… trong khi thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, đòi hỏi nỗ lực lớn của các bên. Trong đó có doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội hợp tác để “trưởng thành” như mô hình đã thành công tại các nước như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp bản địa của họ đã hợp tác sòng phẳng với đối tác ngoại để hướng đến mục tiêu quan trọng của ngành bán dẫn là có cùng tính sở hữu sản phẩm. Tôi tin rằng, tranh thủ cơ hội từ sự chuyển dịch cùng với việc đầu tư có trọng điểm, Việt Nam sẽ có chip “Make in Vietnam” đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bứt phá từ “hạt gạo số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO