Mặc dù đạt được những con số đáng khích lệ trong những năm qua, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn.
Nhiều nguy cơ với hạt gạo
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua, xuất khẩu gạo đã đạt kết quả khá tích cực cả về lượng, giá cũng như cơ cấu, chủng loại xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,82 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2016, trị giá đạt khoảng 2,63 tỷ USD, tăng 22%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 452,6 USD/tấn, tăng 0,8% so với giá xuất khẩu năm 2016. Tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong năm 2018. Tính đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, trị giá đạt 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%. Giá FOB xuất khẩu bình quân đạt khoảng 503,3 USD/tấn, tăng 62,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm nay, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,07% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Gạo Việt hiện đã có mặt ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng như: Gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… ; đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…
Dù có những chuyển biến tích cực nhưng xuất khẩu gạo Việt cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên có thể kể đến việc Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.
Bên cạnh đó, cạnh tranh toàn cầu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo ngày càng gia tăng, đặc biệt cạnh tranh về chất lượng và giá trị; cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa gạo còn hạn chế, nhất là vấn đề logistic… cũng là những yếu tố “cản chân” xuất khẩu gạo. Trong khi đó, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo còn hạn chế; các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến.
Ngoài các vấn đề nêu trên, thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Điển hình là câu chuyện thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Hóa giải những thách thức
Để giải bài toán cạnh tranh, từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trên cơ sở kinh nghiệm đã có, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Muốn gạo Việt có thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, DN và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất theo loại hình cánh đồng mẫu lớn. “Nhờ sự liên kết này, chất lượng gạo sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tạo ra sự tin tưởng. Thời gian tới, DN rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước để có thể phối hợp chặt chẽ với người nông dân cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vùng sản xuất rộng lớn”, ông Thòn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 12/10/2018
11:46, 21/09/2018
05:06, 01/09/2018
19:05, 20/08/2018
Với bài toán thương hiệu gạo Việt chưa "ăn sâu" vào tâm trí người tiêu dùng, một số chuyên gia cho rằng, muốn gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến, trước hết cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Các vùng này sản xuất theo quy trình sạnh, đồng bộ. Đặc biệt, khâu xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới phải được nhấn mạnh, coi trọng hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu gieo trồng tại một số vùng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, cải thiện hiệu quả xuất khẩu và lợi nhuận của người trồng lúa là hết sức cần thiết. Trong khi diện tích trồng lúa giảm, doanh nghiệp, nông dân cần tập trung vào các giống lúa có phẩm chất tốt. Với khẩu phần ít, nhưng năng lượng cao, gạo dinh dưỡng sẽ là hướng đi tương lai của xuất khẩu gạo Việt Nam.