Khơi thông đầu ra cho nông sản hậu Covid-19
Hậu dịch Covid-19, nhu cầu với các sản phẩm nông sản tăng cao ở nhiều thị trường sẽ giúp hoạt động xuất khẩu nông sản được khơi thông.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi dịch bệnh COVID - 19 dần được kiểm soát, nhiều nước đang nới lỏng để phát triển lại kinh tế nên nhu cầu nhập khẩu nông sản từ nhiều thị trường như Nhật Bản, ASEAN… đang dần tăng trở lại.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T cho biết, những tháng vừa qua, nhiều thị trường lớn của công ty đã giảm nhập khẩu do chính sách đóng cửa biên giới để phòng chống dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều thị trường nhập khẩu đã bắt đầu kết nối lại.
“Dịch bệnh ảnh hưởng phần nào đến doanh thu của doanh nghiệp. Song với những diễn biến tích cực hơn từ nửa cuối năm, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào doanh thu và mức sụt giảm sẽ không quá lớn”, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.
Chung ý kiến, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang chia sẻ, để đối phó với dịch bệnh, công ty đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là tranh thủ các thị trường đã có những chuyển biến mới trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhờ đó, nếu như trong tháng 1,2, công ty gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, chỉ trong tháng 3 và tháng 4, sản lượng xuất khẩu của công ty đã tăng thêm khoảng 15% so với hồi tháng 2.
Nhu cầu thế giới đang dần tăng trở lại. Đây cũng là thời điểm sắp bước vào vụ thu hoạch của nhiều loại hoa quả nước ta như vải thiều, chôm chôm, xoài… Đây là những mặt hàng có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc - thị trường vẫn chưa thực sự khơi thông. Chưa kể, đây đều là những mặt hàng có thời gian thu hoạch ngắn, chưa chế biến được thành nhiều sản phẩm, đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng xuất khẩu.
Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, do Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn của nước ta, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho XK nông sản qua biên giới, giảm tối đa tình trạng ùn ứ nông sản như hiện nay. Đặc biệt, sẽ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trên trang thông tin của Bộ Công Thương để doanh nghiệp cập nhật kịp thời.
Riêng với quả vải thiều, trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương cũng đã triển khai rất nhiều các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid- 19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang để đánh giá thẩm định. “Hiện, chúng tôi cũng đã có các công hàm gửi cho các cơ quan của Nhật Bản đề nghị có những giải pháp linh hoạt đặc biệt để có thể đưa quả vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2020”, ông Toản cho biết.
Đối với công tác phát triển thị trường nói chung, Bộ cũng đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại một số nước để tìm hiểu thêm các thị trường, đưa thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam. Đơn cử, với thị trường Australia, ngoài các sản phẩm quả vải thiều tươi thì còn đưa thêm các thông tin về các sản phẩm đã chế biến sâu, tôm tươi… nhằm đưa được nhiều sản phẩm hơn nữa đến thị trường này.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ triển khai các biện pháp như: tổ chức các buổi hội nghị kết nối cung cầu giữa các địa phương, hay kết nối các địa phương với các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức kết nối với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, sản phẩm nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường .
Có thể bạn quan tâm