Nông sản Việt “đón sóng” EVFTA

Hoài Anh - Trọng Tuấn 18/02/2020 03:35

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với cấp độ hội nhập rất cao hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản rất lớn.

Cơ hội rộng mở

EU là một thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới và hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của thị trường này khoảng 150 tỷ USD. Hiện nay, giá xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu mới đạt trên 40 tỷ USD, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ. Điều này cho thấy, khi EVFTA đi vào thực thi, nông sản Việt còn rất nhiều dư địa để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức cao và họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn.

Theo ước lượng của một số nhóm nghiên cứu, khi Hiệp định này được thực thi có thể giúp tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm trên 1tỷ USD vào thị trường EU, và từ đó cũng giúp cho một phần nào tăng trưởng GDP trong nông nghiệp vào cỡ 0,4 – 0,5% /năm.

Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, khi EVFTA được thực thi, cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường EU, bởi hầu hết là thuế suất nhập khẩu vào EU bằng 0%.

Thủy sản nhiều cơ hội xuất khẩu vào EU

Thủy sản được đánh giá là có nhiều cơ hội xuất khẩu vào EU.

Ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, Việt Nam có thể được tận dụng những lợi thế như công nghệ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Mặt khác, người tiêu dùng EU cũng rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam như chè, cà phê, ca cao, các loại gia vị…

Thực tế, đến nay, lượng nông sản nhập khẩu vào EU từ Việt Nam vẫn còn thấp. Tuy nhiên, sản lượng này cũng đang tăng lên, đặc biệt với kỳ vọng EVFTA sẽ được thực thi trong thời gian tới. Hơn thế nữa, việc doanh nghiệp EU đặt hàng các mặt hàng nông sản có thể tạo ra nguồn thu ổn định cho nông dân Việt Nam, họ cũng có thể áp dụng các công nghệ canh tác sản xuất tiên tiến từ EU theo hướng bền vững hơn.

Chú trọng chất lượng

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang EU không đơn giản. Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C chia sẻ, EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU giảm từ 14% về 0%, đây là cơ hội lớn cho hàng nông sản của Việt Nam gia tăng kim ngạch tại thị trường này.

Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới nên doanh nghiệp cần hướng đến những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt. Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ không chỉ có lợi nhuận mà còn có cơ hội đầu tư vào nhân lực, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, EVFTA là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững hơn.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), song song với các thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức phía trước mà Việt Nam cần phải vượt qua. Hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức trung bình của thế giới. Khi vươn tới châu Âu, doanh nghiệp phải cạnh tranh với những doanh nghiệp có năng lực hàng đầu thế giới. Vì thế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • EVFTA, EVIPA và cơ chế giải quyết tranh chấp

    EVFTA, EVIPA và cơ chế giải quyết tranh chấp

    05:30, 17/02/2020

  • EVFTA “định hình” lại ngành dược

    EVFTA “định hình” lại ngành dược

    11:00, 16/02/2020

  • [QUỐC TẾ TUẦN QUA] EVFTA và EVIPA - điểm sáng giữa bóng tối COVID-19

    [QUỐC TẾ TUẦN QUA] EVFTA và EVIPA - điểm sáng giữa bóng tối COVID-19

    16:00, 15/02/2020

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội mà xử lý các thách thức; làm sao tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp. 

Đặc biệt, việc đảm bảo các tiêu chuẩn bên phía Châu Âu là quan trọng nhất, và cần tăng cường hiệu lực của hệ thống kiểm định chất lượng. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT với sự hỗ trợ của các bộ ngành, tổ chức quốc tế đã tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống này để tăng cường năng lực hàng hóa trong nước, đồng thời có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa nước ngoài đưa vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh chia sẻ thêm, EU là một thị trường hàng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao. Là một thị trường có mức chi tiêu cao, song người tiêu dùng EU lại rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, uy tín thương hiệu của hàng hóa.

Do vậy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng tốt, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn vừa nêu. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp, bao gồm các giải pháp về công nghệ, các cơ chế chính sách phù hợp để đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông sản Việt “đón sóng” EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO