Chính sách nhất quán cho doanh nghiệp FDI
Các nhà đầu tư đang mong đợi một môi trường pháp lý công bằng hơn, minh bạch hơn, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới.
>>>Cần có quy định về tiếp nhận và xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI
Trao đổi với DĐDN, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà nội nhấn mạnh, bất chấp khó khăn dịch bệnh, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
- Thưa ông, nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, các nhà đầu tư Hoa Kỳ kiến nghị xử lý các vướng mắc này như thế nào tới các cơ quan chức năng Việt Nam?
Có thể nói trong đại dịch, không chỉ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp nói chung đã gặp phải các thách thức về hoạt động, về chuỗi cung ứng, và về di chuyển và hơn thế nữa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam chính là sự thay đổi thường xuyên trong các quy định được công bố và thực hiện trong thời gian ngắn.
Nhiều doanh nghiệp của chúng tôi vẫn lo ngại về những thay đổi trong chính sách và quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất. Tệ quan liêu phi sản xuất phải được kiểm soát và khuôn khổ pháp lý của quốc gia phải ổn định và có thể dự đoán được.
Bên cạnh đó, việc cho phép nhập cảnh vào Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thách thức do các thủ tục giấy tờ phức tạp và rườm rà, cũng như khó khăn trong việc xin giấy phép lao động do các yêu cầu bất hợp lý được quy định trong Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. An toàn là ưu tiên hàng đầu, nhưng các thủ tục cần hợp lý, dễ dự đoán hơn cho các giám đốc điều hành, các nhà đầu tư mới và các nhóm hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia của chúng tôi để duy trì hoạt động và tạo điều kiện mở rộng và đầu tư mới.
Chúng tôi cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải ban hành các thủ tục kiểm toán và thuế suôn sẻ, công bằng và nhất quán để tránh các phán quyết có hiệu lực hồi tố khác nhau giữa các địa phương và xung đột với các thủ tục thuế của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiến bộ trong các lĩnh vực này sẽ không chỉ giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, mà còn sẽ hỗ trợ cho khát vọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đất nước lên nấc thang mới về cạnh tranh kinh tế trong tương lai.
- Vậy theo ông, việc tiếp nhận và xử lý những vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI cần thực hiện theo hướng nào?
Hiện nay, các nhà đầu tư đang mong đợi một môi trường pháp lý công bằng hơn, minh bạch hơn, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới. Điều này sẽ không chỉ giúp thu hút đầu tư mới mà còn duy trì và phát triển các dự án đầu tư đã có ở Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng các quy tắc và quy định mới phải rõ ràng. Chính phủ nên tham khảo ý kiến của các đại diện trong ngành trước khi các chính sách mới được công bố và thực hiện. Quan trọng nhất, chúng ta cần thấy sự phối hợp tốt hơn ở tất cả các cấp chính quyền trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
- Cơn "đau đầu" của các doanh nghiệp FDI (Kỳ 3): Nỗi lo chuỗi cung ứng
- Cơn "đau đầu" của các doanh nghiệp FDI (Kỳ 2): “Gồng mình” trong dịch bệnh
- Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá về cơ hội thế nào khi Việt Nam mở cửa trong trạng thái bình thường mới, thưa ông?
Là các nhà đầu tư lớn ở đây, các công ty Hoa Kỳ đang đầu tư vào sự thành công liên tục của Việt Nam, chúng tôi vẫn lạc quan và nhìn thấy cơ hội lớn cũng như tương lai tươi sáng cho các công ty Hoa Kỳ tại đây. Tôi cũng tin rằng cơ hội đón vốn đầu tư FDI nói chung của Việt Nam sẽ gia tăng.
Để đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập. Bên cạnh đó là việc giải quyết những điểm nghẽn, chúng tôi khuyến khích những cải tiến liên tục trong phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách giáo dục, đảm bảo chính sách pháp luật và thuế, cũng như nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam.
Đồng thời cũng hy vọng rằng chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có thể bắt đầu nỗ lực hướng tới một hiệp định thương mại tự do song phương. Điều này sẽ không sớm xảy ra, nhưng nó sẽ cải thiện dòng chảy đầu tư và thương mại, hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững và sẽ cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh của khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội bền vững, và thúc đẩy thịnh vượng ở đây.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng tìm cách "hút" dòng chảy FDI
10:50, 07/03/2022
Thu hút FDI 2 tháng đầu năm có gì đáng chú ý?
04:00, 01/03/2022
Miền Trung phát huy tiềm năng thu hút FDI
01:06, 27/02/2022
Vì sao đình công xảy ra nhiều tại doanh nghiệp FDI miền Trung?
03:40, 19/02/2022
Thu hút dòng vốn FDI vào ngành điện tử
04:00, 17/02/2022