Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD.
>>Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin tăng cao
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/2/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 183 dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn.
Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD.
Hai tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.
Về góp vốn, mua cổ phần, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Đánh giá về kết quả này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm nhấn là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%). Và điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
>>Quản lý ngoại hối “cản lối” đầu tư nước ngoài
Về đối tác đầu tư, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhất trong tháng 1/2021 (chiếm 16,9% số dự án mới, 35,9% số lượt điều chỉnh và 36% số lượt GVMCP).
Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê đánh giá, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 7,2% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 1/2022. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Để thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về hạ tầng cũng cần được quy hoạch tốt hơn và phát triển hơn trong thời gian tới và đặc biệt là hạ tầng về công nghệ 4G về chuyển đổi số nếu chúng ta không làm tốt, không có sự chuẩn bị trước thì chúng ta khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các nước phát triển.
Về chính sách chúng ta cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Và đặc biệt sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo, hậu quả của nó là làm giảm tính lan toả của nhà đầu tư nước ngoài đến các nhà đầu tư trong nước cũng như công nghiệp phụ trợ chưa được phát triển nên giá trị gia tăng cũng như hiệu quả của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thấp. Bên cạnh đó là thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong đó có các hiệp định như EVFTA, CPTPP…
Một số dự án đầu tư lớn trong 2 tháng đầu năm 2022:
Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 18/1/2022).
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 15/2/2022).
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 21/1/2022).
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin tăng cao
04:00, 21/02/2022
5 kiến nghị giữ chân nhà đầu tư nước ngoài
02:00, 18/10/2021
Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài
11:00, 30/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Nên xem xét mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài
11:00, 25/09/2021
WB: Nhà đầu tư nước ngoài duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam
11:00, 17/09/2021
Quản lý ngoại hối “cản lối” đầu tư nước ngoài
11:00, 21/07/2021