Là khu vực đang trên đà phát triển mạnh mẽ, các địa phương tại miền Trung đã nỗ lực từng ngày để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút lượng lớn các doanh nghiệp FDI đến đầu tư.
>>Thu hút FDI tăng 9%, vượt mốc 31 tỷ USD
Thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD.
Những cơ hội mới
Theo thông tin, quy mô vốn bình quân 1 dự án FDI của miền Trung đạt 28,25 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (11,75 triệu USD). Hiện tại, tổng vốn FDI của khu vực miền Trung hiện nay chiếm khoảng 15,16% tổng vốn FDI của toàn quốc.
Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối và kinh doanh bất động sản đang là các lĩnh vực có tổng vốn đầu tư dẫn đầu. Còn lại là các ngành khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí,…
Đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với 335 dự án (17,79 tỷ USD), Đài Loan (Trung Quốc) với 141 dự án (12,01 tỷ USD), Singapore với 105 dự án (8,52 tỷ USD).
Ông Lê Minh Dương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam (Văn phòng tại Đà Nẵng) nhận định năm 2021 là một năm nhiều khó khăn và thách thức với khu vực miền Trung Tây Nguyên. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay đã kinh tế và hạ tầng gặp nhiều khó khăn nhưng bức tranh về thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực miền Trung vẫn mang nhiều khởi sắc.
Theo ông Dương, thay vì xúc tiến đầu tư trực tiếp, tiếp xúc gặp gỡ nhà đầu tư như trước kia, các địa phương đã linh hoạt chuyển sang hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến và thông qua công nghệ , nhà đầu tư có thể tìm hiểu về môi trường đầu tư và triển khai dự án tại các địa phương trong khu vực.
“Trong năm 2021, khu vực miền Trung đã thu hút được 71 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,15 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt cho thấy các dự án đầu tư vào miền Trung ngày càng tăng về chất, quy mô các dự án ngày càng nâng cao và mở rộng, điều này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khu vực miền Trung”, ông Lê Minh Dương nói.
Ông Dương cho hay các dự án đầu tư trong năm 2021 chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện, 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 583,4 triệu USD, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (19 dự án - gần 280,7 triệu USD).
“Nhìn chung thu hút đầu tư FDI trong năm 2021 chủ yếu đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, rất nhiều nhà đầu tư đến miền Trung tìm hiểu về lĩnh vực năng lượng tái tạo này. Đăk Lăk là địa phương có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, trong năm 2021 đã có 6 dự án về lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư gần 430,6 triệu USD, chiếm 95% vốn đầu tư của tỉnh”, ông Dương cho hay.
Với kinh nghiệm chống dịch hiệu quả và bao phủ diện rộng tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng đạt mức cao. Đặc biệt là lực lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, vì vậy doanh nghiệp và nhà đầu tư tại khu vực miền Trung yên tâm sản xuất kinh doanh.
Cơ hội nào cho các địa phương?
Chia sẻ thêm, ông Lê Minh Dương cho rằng hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực đôn đốc các địa phương nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để có thể trình thẩm định và phê duyệt trong năm 2022. Song song với đó, một loạt các địa phương đã ban hành danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... là một cơ hội lớn cho các địa phương.
“Ngoài ra, với một loạt các dự án lớn về hạ tầng đang được qui hoạch, bố trí vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký kết mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện tạo đà cho miền Trung sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư mới, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông Dương nói thêm về động lực để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhận định môi trường kinh doanh tuy được cải thiện, nhưng những năm gần đây có dấu hiệu chững lại và thiếu tính đột phá. Theo ông Quang, tính chủ động trong tiếp cận nhà đầu tư, nhà đầu tư “mục tiêu” của các địa phương còn hạn chế.
“Các địa phương tại Miền Trung phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hoá trong nắm bắt, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp rút ngắn thời gian trong tiếp cận cơ hội và hiện thực hoá cơ hội trong đầu tư. Hoàn thiện, minh bạch quy hoạch phát triển KT-XH, có tính tới yếu tố liên kết vùng nhằm tạo cộng hưởng lợi ích, lợi thế so sánh vùng”, ông Nguyễn Tiến Quang cho hay.
Cũng theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, các địa phương cần gắn việc lập các dự án thu hút đầu tư với cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để nhà đầu tư có thể tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất các thông tin, dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư thẩm định cơ hội và ra quyết định đầu tư nhanh nhất, tránh thông tin chung chung nhà đầu tư phải "đi nhiều nơi, gỏ nhiều cửa" mất nhiều thời gian làm nản lòng của nhà đầu tư. Chính quyền cần chủ động hơn, năng động hơn, hiệu quả hơn trong hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc khó khăn khi gặp phải nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Trước mắt. việc các địa phương thực thi có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, phục hồi kinh tế của Chính phủ cần được xem là ưu tiên. Việc hỗ trợ hiệu quả cho cồng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phát triển trong thời gian tới nếu được thi thi tốt sẽ là “điểm cộng” cho các địa phương trong thu hút vốn FDI”, ông Quang nói.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao đình công xảy ra nhiều tại doanh nghiệp FDI miền Trung?
03:40, 19/02/2022
Thu hút dòng vốn FDI vào ngành điện tử
04:00, 17/02/2022
Kỳ vọng từ các doanh nghiệp FDI
03:59, 15/02/2022
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Động lực thu hút vốn FDI
04:10, 12/02/2022
Dòng vốn FDI vào Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm
11:00, 11/02/2022