Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển
Văn hóa doanh nghiệp chính là giá trị nhân văn từ con người, từ tổ chức, từ những giá trị bên trong và không tách rời với hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững.
>>Văn hóa, đạo đức là nền tảng phát triển bền vững
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE), Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nền tảng phát triển bền vững
Phát triển bền vững có nhiều chỉ số, tiêu chí để đánh giá nhưng tại PNJ, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển bền vững. Nếu nhân cách hóa doanh nghiệp như một con người, thì “con người này” cần phải có trí thức, giá trị, tinh thần và biết lẽ sống của mình là gì.
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chúng ta cần có lẽ sống, sứ mệnh, tầm nhìn và tìm ra giá trị cốt lõi của tổ chức. Trong suốt quá trình phát triển, PNJ xem niềm tin là lẽ sống và có niềm tin là có tất cả. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu hình thành, chúng tôi đã xây dựng giá trị niềm tin là cốt lõi văn hóa doanh nghiệp. Hơn thế nữa, 5 giá trị cốt lõi của PNJ qua từng giai đoạn luôn có sự làm giàu thêm, phát huy những giá trị mới phù hợp với thời cuộc.
Người ta thường nói, xây nhà đầu tiên cần có nền móng, thì văn hóa doanh nghiệp và con người chính là nền móng của sự phát triển bền vững. PNJ đã trải qua chặng đường gần 35 năm và chúng tôi hiểu rằng, từng thế hệ sẽ có những suy nghĩ, quan điểm khác nhau. Văn hóa không bao giờ mất đi mà nó được làm giàu hơn theo thời gian, giữ lại những gì tốt đẹp nhất, đưa vào thêm những gì mới nhất và đào thải những tư tưởng đã lỗi thời.
PNJ luôn hướng đến là một gia đình có văn hóa, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp gia đình mà tại đây mọi người xem nhau như một gia đình, cùng học hỏi, phát triển và người lao động đến đây sẽ cảm nhận như đang làm việc trong ngôi nhà của mình.
Văn hóa phải đi từ tâm, con người cảm nhận được điều đó một cách tự nhiên, hòa nhập trong tập thể. Trở lực lớn nhất của văn hóa đó là áp đặt, bởi văn hóa là sự thẩm thấu tự nhiên trong từng hành vi của mỗi người. Ví dụ như câu chuyện Siêu thị mini 0 đồng, vào thời khắc dịch bệnh đó, ai trong tập thể PNJ cũng vượt qua nỗi sợ, lăn xả hoạt động để chia sẻ với xã hội. Trong chính gia đình PNJ, mọi người cũng chăm sóc lẫn nhau, quan tâm đến người thân của từng cán bộ nhân viên.
>>Phát triển bền vững với các trụ cột văn hoá kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp phản ánh “cái chất” của người lãnh đạo
Khi xây dựng một doanh nghiệp, quan điểm của những người sáng lập rất quan trọng. Ở PNJ, quan điểm của những người sáng lập doanh nghiệp là xác định và theo đuổi triết lý phát triển bền vững “Đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp”. Do đó, PNJ luôn đảm bảo sự hài hòa trong kết nối lợi ích doanh nghiệp với sự phát triển của con người, xã hội.
Quan điểm của chúng tôi là lãnh đạo thì phải làm gương, phải có sự nhất quán, phải làm những điều tốt thì những người khác mới có thể đi theo. Để đến những năm sau này, dù những người sáng lập có mất đi thì văn hóa vẫn còn đó. Tuy nhiên, văn hóa luôn luôn có sự biến đổi, phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi và môi trường. Văn hóa xuất phát từ người đứng đầu và người lãnh đạo cần biết lắng nghe, thay đổi. Những giá trị cốt lõi vẫn giữ nhưng cần tinh chỉnh với thời đại thì doanh nghiệp mới bền vững.
Hiện tại, giá trị cốt lõi của PNJ gồm có chính trực để trường tồn, kiên định bám mục tiêu, quan tâm cùng phát triển, tận tâm vì khách hàng, tiên phong tạo khác biệt. Những giá trị này thực ra đã được làm mới, dựa trên những giá trị trước đó nhưng được điều chỉnh để phù hợp với thời thế.
Để phát triển bền vững, cứ sau 5 năm PNJ đều nhấn nút F5 Refresh, xem lại chiến lược của mình còn phù hợp hay không, ngay cả khi mình đang làm tốt. Biểu đồ doanh nghiệp hay con người cũng có hình sin. Nếu mình không tỉnh táo, không làm mới mình thì dù có đang ở trên đỉnh cũng sẽ bị tụt xuống dốc.
Để F5 được như vậy, PNJ phải học hỏi liên tục, ngay cả HĐQT và tất cả các thành viên cũng cần học để tái tạo những cái mới trong tổ chức mình. Từ đó, “cấy” những Gen mới vào văn hóa doanh nghiệp và làm rõ hơn giá trị tiên phong tạo khác biệt của PNJ. Lúc đó từng thành viên, người tư vấn viên hay người thiết kế, người nghệ nhân… khi làm việc đều hướng đến khách hàng, luôn nghĩ cách đưa ra những sản phẩm tinh tế, sáng tạo nhất để phục vụ khách hàng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung là Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, bà nằm trong danh sách 50 nữ Doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes, nhận giải "Thành tựu trọn đời" của ngành kim hoàn châu Á do Tạp chí chuyên ngành trang sức châu Á Jewellery News Asia – JNA tổ chức. Trong suốt thời gian dẫn dắt sự phát triển của PNJ, bà đã liên tục đề cao việc phát triển con người, đặt lợi ích xã hội, lợi ích của khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp. Cũng chính triết lý này đã giúp PNJ nhiều năm liền lọt Top 10 trong 100 các doanh nghiệp phát triển bền vững. Năm 2022, PNJ lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2022" do Forbes Việt Nam tổ chức. Có thể bạn quan tâm
|