Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nhân Việt Nam sẽ luôn nêu cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm, lan toả các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
>>>[TRỰC TIẾP] Chương trình Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, trong không khí phấn khởi và tự hào, VCCI cùng cộng đồng doanh nhân cả nước hân hoan chào đón và tổ chức kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Cũng ngày hôm nay, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh Nhân Việt Nam” tiêu biểu cho 60 gương doanh nhân xuất sắc được tổ chức. “Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng vinh dự và nồng nhiệt chào mừng đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và địa phương đã đến chung vui và dự buổi lễ đặc biệt hôm nay”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chúc mừng các doanh nhân được trao tặng danh hiệu “Doanh Nhân Việt Nam tiêu biểu”, Chủ tịch VCCI cũng gửi lời chúc mừng toàn thể các doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam đồng thời chia sẻ, cách đây 77 năm, ngay khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945.
Với sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 2004 ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
“Nhiều doanh nhân với sự phấn khỏi, tự hào đã gọi ngày 13/10 là Ngày Tết Doanh nhân! Người Việt Nam chúng ta có câu: “Vui như Tết”, nên ngày 13/10 luôn là ngày vui của giới doanh nhân, mặc dù đời doanh nhân luôn sống cùng bao căng thẳng, lo toan cho doanh nghiệp và cho bao người”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Nhớ lại Tết Doanh nhân 13/10/2021, chỉ một năm trước, cả nước vừa mở cửa trở lại, sau những tháng ngày phong toả, cách ly, giãn cách, Chủ tịch VCCI cho biết các doanh nghiệp đã gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, các doanh nhân vừa lo lắng bạc đầu chống dịch cho doanh nghiệp, vừa gọi nhau hợp sức cùng Đảng, cùng Chính phủ lo vắc xin, lo vật tư y tế, thiết bị cho người dân, cho các vùng miền chống dịch.
Theo đó, các quyết sách kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quyết liệt, táo bạo, bản lĩnh, đồng thời cầu thị, lắng nghe của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng đã bắt trúng thời điểm, chuyển từ chiến lược “zero covid” sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19, đưa đất nước vượt qua đại dịch, “giải vây” cho các doanh nghiệp và bảo toàn được năng lực sản xuất kinh doanh, nhờ đó năm nay doanh nghiệp và nền kinh tế có thể phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh.
“Nhìn lại chặng đường giông bão đó, hôm nay giới doanh nhân Việt Nam vừa chúc mừng nhau, vừa xin được cảm ơn Thủ tướng, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Đảng và Nhà nước. Và nếu chúng ta nhớ lại, thì hôm qua chính là tròn 1 năm ngày Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 128-NQ/CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, chúng ta vui mừng vì sự phục hồi và đóng góp của doanh nghiệp trong 1 năm qua. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng tới 38,6% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn số lượng của cả 12 tháng năm 2021. Như vậy đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta đã đạt trên 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với đó còn có khoảng 15 nghìn HTX phi nông nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đồng thời số lượng doanh nhân tương ứng đã lên đến hàng triệu người.
>>>Hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước
>>>Đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh là điểm tựa quan trọng
Thống kê cho thấy, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động. Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.
“Chúng ta đã có những ngành hàng, những sản phẩm chiếm lĩnh thị phần cao trên thị trường toàn cầu. Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Doanh nhân Việt Nam vui mừng, tự tin và có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khẳng định tất cả mới là bước đầu, Chủ tịch VCCI nhận định, cộng đồng doanh nhân nhận thức rõ chặng đường phía trước còn dài, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc. Để phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra. Nếu như năm 2021, Ngày Doanh nhân Việt Nam chúng ta nói nhiều về covid-19, về khôi phục sản xuất kinh doanh. Thì Tết Doanh nhân năm nay, chúng ta hãy nói nhiều hơn về tầm nhìn 2030 và 2045, về xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm với mục tiêu, khát vọng của quốc gia, dân tộc, về đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, về chiến lược xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
“Văn hoá soi đường quốc dân đi, văn hoá cũng soi đường doanh nhân tiến lên. Không có đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh thì không có phát triển bền vững, và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy hình thành và định hình văn hoá doanh nghiệp, từ đó hình thành văn hoá kinh doanh của cả cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hoá kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội VCCI lần thứ VII đề ra, đồng thời là định hướng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong đó giao VCCI nhiệm vụ “khen thưởng, tôn vinh doanh nhân, phát triển các hiệp hội doanh nghiệp,...”, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã triển khai Chương trình Bình xét và trao tặng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 với nhiều đổi mới toàn diện, trong đó số danh hiệu được trao giảm từ 100 xuống chỉ còn 60, vừa giảm về lượng để tăng về chất.
“Năm nay cũng là năm đầu tiên đưa các chuẩn mực theo 6 quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI ban hành là tiêu chí hàng đầu để bình xét trao tặng danh hiệu. Đó là các quy tắc: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Được biết, qua 5 bước bình xét khoa học, chặt chẽ, công bằng, minh bạch, danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm nay được quyết định trao tặng cho 60 doanh nhân xuất sắc nhất trong số 211 đề cử, trong đó có 10 người được vinh danh TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Tổng hợp doanh nghiệp của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70 nghìn tỷ đồng và số lao động trên 251 nghìn người. Chủ tịch VCCI nhận định đây thực sự là kết quả ấn tượng.
Các doanh nhân được vinh danh hôm nay sẽ được gắn trên ngực tấm huy hiệu đúc bằng vàng là biểu trưng của danh hiêụ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Biểu trưng mới lần đầu xuất hiện, với 6 cánh vươn cao, vừa biểu tượng cho 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, vừa là biểu tượng chiếc vương miện linh thiêng và đơn sơ của vua Hùng.
“Mong rằng, các Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu vừa được tiếp sức bằng ý chí của quốc tổ Hùng Vương, của hào khí ngàn năm dựng nước, sẽ luôn nêu cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cùng hun đúc và lan toả các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng” ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Chấp hành VCCI và cộng đồng doanh nhân cả nước Chủ tịch VCCI chúc mừng các doanh nhân được tôn vinh và mong các doanh nhân tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình như những con sếu đầu đàn, tiếp tục phát triển bền vững các doanh nghiệp của mình và dẫn dắt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Có thể bạn quan tâm
09:20, 12/10/2022
09:00, 12/10/2022
05:00, 12/10/2022
00:00, 12/10/2022
20:12, 11/10/2022
18:28, 11/10/2022
17:04, 11/10/2022
16:58, 11/10/2022
16:57, 11/10/2022