Du lịch phải bắt đầu từ nhu cầu
Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event (V.E.I) cho rằng xu thế du lịch đang thay đổi và doanh nghiệp cần thích ứng.
>>Vực dậy du lịch Tiểu vùng Mê Kông
Ông Lê Thiên Tư cho biết, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp du lịch đã phải nỗ lực liên kết, tái thiết hoạt động để quay trở lại công việc. Tuy nhiên, hiện tại nguồn khách nội địa vẫn là chính bởi các thị trường bên ngoài vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.
- Thưa ông, tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp buộc chúng ta phải thích ứng và bám trụ. Xin ông chia sẻ đôi điều về những ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của đơn vị?
Qua 2 năm ngành du lịch bị tác động bởi dịch Covid-19, hiện nay không chỉ V.E.I mà cả cộng đồng doanh nghiệp đã phải “gồng mình” để có thể bám trụ được và từng bước phục hồi. Du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và có thể sẽ là ngành phục hồi cuối cùng bởi các thị trường hiện nay vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn.
Ngay cả bản thân doanh nghiệp, để trang trải cho V.E.I tôi đã phải thanh lý quá nửa số phương tiện cùng với một nhà hàng, thuyên giảm nguồn nhân lực,... để có nguồn kinh phí hoạt động, giải quyết vấn đề tài chính từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, không phải chỉ mỗi V.E.I và hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều phải làm như vậy để có thể bám trụ với thời cuộc.
Cùng với đó, tôi cũng đã phát triển thêm một hướng kinh doanh mới là hình thành chuỗi cung ứng cà phê nguyên chất. Hiện tại, sản phẩm cà phê đang trong giai đoạn kiểm tra chất lượng, nếu đảm bảo sẽ kết nối để xuất khẩu sang châu Âu. Hoặc nếu chưa đủ khả năng thì sẽ phát triển trong phạm vi nội địa.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp du lịch chúng tôi lại phải nỗ lực liên kết, tái thiết hoạt động để quay trở lại công việc. Tuy nhiên, mọi sự bắt đầu đều phải chậm rãi, bởi các thị trường hiện nay vẫn chưa mở cửa hoàn toàn và chúng ta đang phải dựa vào nguồn khách nội địa.
Vì vậy, V.E.I đã lên đường kết nối đối tác tại địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để xúc tiến, giới thiệu sản phẩm để cùng phối hợp cùng bán sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp đã phải liên tục xây dựng sản phẩm mới kèm theo để du khách cảm thấy không bị trùng lặp khi trải nghiệm.
Qua đó từng bước trở lại, sẵn sàng tinh thần để chờ khách du lịch quốc tế.
- Thưa ông, nói đến các thị trường khách quốc tế thì mục tiêu đón 5 triệu khách đến Việt Nam trong năm nay là không khả thi. Ông có bình luận như thế nào về việc việc này?
Sau Covid-19, du lịch chưa thể phục hồi ngay bởi lẽ hiện tại một số thị trường vẫn còn quản lý nghiêm ngặt về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đó là còn chưa kể tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn về chính trị, giá nhiên liệu, khủng hoảng tài chính,... nên để nói ngành du lịch phục hồi hoàn toàn đành phải chờ thêm một thời gian nữa.
Và trong thời gian chờ đợi, V.E.I đang xúc tiến lại với các đối tác cũ, đồng thời liên kết thêm nhiều đối tác mới để tìm kiếm khách hàng. Thực tế ở bên kia cũng giống như ta, đã có một bộ phận doanh nghiệp cũng đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện tại cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực để “tìm thấy nhau”. Từng bước, doanh nghiệp có thể “show” sản phẩm, dịch vụ để tìm kiếm đối tác liên kết về lâu dài, đưa khách du lịch quay trở lại thị trường, bão hòa như trước.
Có thể thấy, thời gian qua hầu hết các địa phương trên cả nước cũng như Đà Nẵng đang tích cực xúc tiến tại các thị trường châu Á để đưa khách về. Từ Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc,... đều có những chương trình xúc tiến nên doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp với địa phương trong việc kéo khách về. Và hơn hết, doanh nghiệp cần phải làm đều tay trong việc tiếp cận du khách.
Hiện tại, khi các thị trường xa chưa thể quay trở lại, doanh nghiệp có thể đặt kỳ vọng vào nguồn khách nội địa cũng như các nước tại khu vực châu Á. Đây chính là những nhân tố giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tái thiết sản phẩm và có thêm động lực để xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với xu thế mới là các các sản phẩm về du lịch cộng đồng.
Hệ thống các sản phẩm này đã được hình thành nên được giữ gìn và tiếp tục phát triển để người dân có thu nhập. Đồng thời, phải vận hành để tiếp tục từng bước hoàn thiện, xem xét điều chỉnh, góp ý cơ chế để địa phương thay đổi chính sách phù hợp với quy hoạch.
- Ông có đề cập tới việc phải làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút hơn nữa khách du lịch. Vậy, xu thế mới của du lịch hậu COVID-19 là gì và sẽ tác động tới diện mạo du lịch ra sao, thưa ông?
Với xu thế mới, làm du lịch là cần phải hiểu nhu cầu của khách, hiểu họ cần gì và thay đổi theo hướng chung là du lịch sinh thái. Có 3 vấn đề mà du lịch bền vững cần có đó là du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm và du lịch sinh thái.
Từ đó, doanh nghiệp phối hợp với địa phương để xây dựng hệ sinh thái phát triển du lịch trong cộng đồng tại các sản phẩm bắt nguồn nông nghiệp, ẩm thực, văn hóa,... và người dân là lực lượng tham gia trực tiếp vào xây dựng sản phẩm du lịch. Như thế, sẽ có 3 yếu tố mà cộng đồng có được đó là sở hữu sẵn nhân lực, nguồn lực và gia tăng thu nhập. Qua đó, từng địa phương, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chỉnh chu hơn, phù hợp hơn.
Chúng ta có thể lấy ví dụ rằng, tại các làng văn hóa cộng đồng có thể xây dựng các khế ước về hoạt động du lịch. Mà trong đó, người dân sẽ xây dựng các sản phẩm tour để bán tại chỗ, sử dụng tại chỗ, gia tăng thời gian ở lại, trải nghiệm và chi tieu cho du khách.
Như thế, vừa bảo vệ được thiên nhiên, phát triển tài nguyên vốn có mà không phá vỡ kiến trúc. Đã có nhiều bài học từ các địa phương phát triển quá rầm rộ dẫn đến phá vỡ quy hoạch tạo các điểm nóng. Mà sau này khi sửa đổi lại rất khó và chuyện đã xong rồi.
- Với câu chuyện này, doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Thực tế, mọi hoạt động du lịch đều phải bắt đầu từ du khách, trước khi làm chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng khách du lịch cần gì? Doanh nghiệp phải xác định rõ xu thế của du lịch rồi hãy bắt tay vào làm. Nếu làm không đúng nhu cầu, không đúng xu thế thì cũng bằng không, và đã có rất nhiều dự án đầu tư rất nhiều kinh phí nhưng rồi bỏ hoang.
Từ bây giờ, doanh nghiệp hãy xác định rõ đối tượng trọng tâm, thế mạnh nội lực để phát triển sản phẩm chủ đạo, có chiều sâu. Sau đó hãy tính đến việc phát triển thêm các sản phẩm phụ trợ cho các nhóm đối tượng khác. Như thế sẽ góp phần làm tròn trịa hơn cho bản đồ du lịch địa phương cũng như trên cả nước. Nếu chúng ta cứ theo đuổi quá nhiều đối tượng, thị trường, hệ thống sản phẩm,... thì sẽ không mang lại các hiệu quả khả quan.
Để chờ khách du lịch quốc tế quay trở lại, đặc biệt là khách châu Âu, V.E.I đã chuẩn bị sản phẩm đầy đủ, chu đáo để chờ được bung ra. Từ các miền Bắc, Trung, Nam đều có những sản phẩm cụ thể phù hợp với từng thị trường nhất định.
Trong đó, tại miền Trung Công ty cũng đã dàn trải rất nhiều “mặt trận” sản phẩm về tour hàng ngày, tour ghép, tour xe đạp, leo núi, khám phá, camping, du lịch cộng đồng,... tại Huế, Hội An, Đà Nẵng. Chỉ cần khách du lịch quốc tế quay trở lại thì các sản phẩm này sẽ được sử dụng ngay.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm tại khu vực phía Tây Đà Nẵng, vùng có nhiều tiềm năng về du lịch đường sông, du lịch cộng đồng bản địa, mạo hiểm... Cùng với đó là mời gọi đối tác mới để có thể “bắt tay” cùng phát triển, xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững phù hợp để thành phố xem xét, phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm